09:05, 07/05/2021

Phục dựng vở tuồng Huyền thoại Mẹ xứ sở

Làm sống lại vở tuồng xưa


Cuối tháng 4, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa tổ chức diễn báo cáo phục dựng vở tuồng Huyền thoại Mẹ xứ sở. Vở diễn này từng đạt giải B Giải thưởng vở diễn xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2001, do nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức viết kịch bản, nghệ sĩ Nguyễn Văn Khánh làm đạo diễn, âm nhạc của cố nhạc sĩ Nguyễn Gia Thiện và Nghệ sĩ nhân dân Đặng Hùng làm biên đạo múa.

Làm sống lại vở tuồng xưa


Cuối tháng 4, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa tổ chức diễn báo cáo phục dựng vở tuồng Huyền thoại Mẹ xứ sở. Vở diễn này từng đạt giải B Giải thưởng vở diễn xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam năm 2001, do nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức viết kịch bản, nghệ sĩ Nguyễn Văn Khánh làm đạo diễn, âm nhạc của cố nhạc sĩ Nguyễn Gia Thiện và NSND Đặng Hùng làm biên đạo múa. Vở diễn là câu chuyện truyền thuyết về Thiên Y A Na. Bà được người dân tôn xưng là Thánh Mẫu, Mẹ xứ sở, là đấng thiêng liêng vì đã bảo vệ, che chở, chỉ dạy cho người dân biết dệt vải, trồng lúa, đánh đuổi giặc ngoại xâm… Nhân vật chính là tiên nữ Dương Ngọc - hiện thân của Mẹ xứ sở Thiên Y A Na - đã dám trái lệnh Ngọc Hoàng để giúp đỡ người dân hạ giới có cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

 

Cảnh tiên nữ Dương Ngọc dạy cho nhân dân dệt vải, trồng lúa.

Cảnh tiên nữ Dương Ngọc dạy cho nhân dân dệt vải, trồng lúa.


Trên cơ sở nội dung vở diễn được dàn dựng năm 2001, ban chuyên môn của nhà hát đã thực hiện phục dựng để vừa làm sống lại một tác phẩm sân khấu quan trọng của đơn vị, vừa truyền vai cho lớp nghệ sĩ trẻ hiện tại. Trước đây, khán giả được xem những nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Thu Hà, NSND Kim Hùng, NSƯT Xuân Hùng, NSƯT Bích Khiêm… đảm nhận các vai diễn. Lần phục dựng này, những gương mặt nghệ sĩ trẻ của nhà hát như: Thúy Phượng, Văn Soái, Kim Lánh, Như Yến… đảm nhận các vai diễn quan trọng trong vở diễn. Dưới sự dìu dắt của các thế hệ nghệ sĩ lớp trước, những diễn viên trẻ đã cố gắng tiếp thu tinh thần, nội dung vở diễn để có những màn hát, diễn tương đối chắc. “Lợi thế của lớp nghệ sĩ bây giờ là sự trẻ trung và tinh thần học hỏi nghiêm túc. Chính điều này đã tạo nên nét tươi mới cho vở diễn và phần nào khỏa lấp được những hạn chế về mặt trình độ biểu diễn của các em so với thế hệ chúng tôi trước đây”, NSND Kim Hùng - thành viên ban chuyên môn của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh nhận xét.


Đáp ứng nhu cầu của khán giả hiện nay


Việc phục dựng vở diễn đã nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn lẫn khán giả là một thử thách đối với ban chuyên môn, cũng như các nghệ sĩ. Nhưng dựng lại vở với yêu cầu phải cắt giảm dung lượng thời gian so với bản gốc lại càng khó hơn. Để làm được điều đó, lãnh đạo nhà hát đã phải liên hệ với tác giả kịch bản, đạo diễn để nhận được sự chấp thuận. Trên cơ sở đó, các thành viên trong ban chuyên môn tiến hành chọn lựa kỹ lưỡng những phân đoạn, phân cảnh có thể lược bớt để vở diễn trở nên gọn gàng, chặt chẽ hơn. So với vở diễn ban đầu dài 120 phút, vở phục dựng chỉ còn 90 phút. Tuy nhiên, sau đêm diễn báo cáo, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao yêu cầu rút ngắn thời gian vở diễn xuống còn 75 phút để có nội dung, hình thức phù hợp hơn với điều kiện biểu diễn, nhu cầu của khán giả hiện nay.


Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, việc phục dựng vở diễn Huyền thoại Mẹ xứ sở nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm góp phần kích cầu du lịch. Sau khi phục dựng, vở diễn sẽ được nhà hát đưa đi biểu diễn để phục vụ người dân và khách du lịch. Nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức cho rằng, so với vở diễn gốc trước đây, vở diễn phục dựng lần này tuy được lược bớt nhiều nhưng tương đối đạt yêu cầu. Điều đó có thể đến từ chính sức sống của vở diễn gốc, bởi nhiều cảnh, nhiều đoạn trong vở diễn đó vẫn được các nghệ sĩ thường xuyên biểu diễn phục vụ khán giả trong suốt 20 năm qua.


Trong bối cảnh hiện nay, việc phục dựng các vở diễn từng tạo được tiếng vang có thể xem là cách để giữ gìn những cái hay, cái đẹp của các tác phẩm sân khấu, vừa giúp các nghệ sĩ trẻ có thêm những vai diễn mới. Mặt khác, thông qua đó khán giả hôm nay có dịp được xem lại, hiểu thêm về những giá trị văn hóa, nghệ thuật của địa phương.


Giang Đình