01:05, 19/05/2021

Hình tượng Bác Hồ trong thơ ca xứ Trầm

Viết về đề tài Bác Hồ, đội ngũ văn nghệ sĩ Khánh Hòa đã có nhiều tác phẩm thể hiện được tình cảm, dấu ấn riêng của người nghệ sĩ đối với Bác.

Viết về đề tài Bác Hồ, đội ngũ văn nghệ sĩ Khánh Hòa đã có nhiều tác phẩm thể hiện được tình cảm, dấu ấn riêng của người nghệ sĩ đối với Bác.


Từ những vần thơ…


Trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình, nhà thơ Giang Nam đã có 16 bài thơ viết về Bác. Từ những năm 60, ông đã viết những dòng thơ đầy xúc động thể hiện tình cảm của người dân miền Nam đối với Bác Hồ. Trong số đó, ông tâm đắc nhất 3 bài thơ: Mùa xuân ấy, Rừng trưa, Con về quê Bác. Nếu bài Mùa xuân ấy bắt nguồn từ hình ảnh Bác Hồ trồng cây để liên tưởng đến quan điểm trồng người của Bác, thì bài thơ Rừng trưa lại xuất phát từ một tứ thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Người đi rừng núi trông theo bóng người”, từ đó nhà thơ bày tỏ tình cảm, lòng khâm phục trước những cống hiến của Bác cho nhân dân và đất nước. Bài Con về quê Bác lại là niềm xúc cảm bâng khuâng của tác giả khi đến vùng đất đã sinh ra người cha già của dân tộc.

 

Cách đây hơn 10 năm, nhà thơ Mai Trâm đã viết bài thơ Về A-xay nghe hát, thể hiện tình cảm của đồng bào Raglai ở huyện Khánh Vĩnh đối với Bác Hồ từ những năm kháng chiến chống Mỹ. Trong đó có những câu thơ nói lên cảm xúc chân thành của người dân: “Tôi về đây, nghe người già hát kể…/Về tháng năm làng A-xay đánh giặc/Về người A-xay một lòng đi theo Bác/Khắc tên Bác Hồ thành tên quê hương…”.


Trong một lần về thăm lăng Bác, nhà thơ Tạ Hùng Việt đã viết bài thơ Hà Nội mùa sương bay với niềm cảm xúc bồi hồi: “Hồ Chí Minh/Tổ quốc là Người, Người là Tổ quốc”. Để từ đó, nhà thơ lý giải về sự vĩ đại của Bác Hồ và điều vĩ đại nhất của Người chính là: “Tấm gương đạo đức của Người/Đã thành hồn dân tộc Việt Nam”. Cố nhà văn Nguyễn Gia Nùng trong bài thơ Khát vọng đã từng viết rằng: “Có một niềm khát vọng thiêng liêng mang tên Hồ Chí Minh/Đã thành tài sản chung dân tộc/Độc lập, tự do, hạnh phúc/Cho bất kỳ ai mang danh hiệu con người”. Ngoài ra, các tác giả khác như: Nguyễn Văn Thanh, Trần Quang Huỳnh, Võ Hoàng Nam, Vương Thị Nguyễn… cũng có những bài thơ giàu cảm xúc về Bác.

 

Hình tượng Bác Hồ là nguồn cảm hứng sáng tạo  đối với nhiều văn nghệ sĩ. (Ảnh tư liệu)

Hình tượng Bác Hồ là nguồn cảm hứng sáng tạo đối với nhiều văn nghệ sĩ. (Ảnh tư liệu)


… đến những câu ca


Trong số hơn 300 ca khúc đã sáng tác và công bố của mình, nhạc sĩ Hình Phước Liên từng viết nhiều ca khúc về Bác Hồ. Có thể kể những ca khúc của ông như: Ngôi sao niềm tin - Ngôi sao Hồ Chí Minh, Con đường và ngọn lửa, Những câu chuyện Bác Hồ… “Những ca khúc tôi viết về Bác Hồ thường có giai điệu trẻ trung, sôi nổi, trong sáng. Thông qua đó, tôi muốn bài hát của mình đến gần hơn với khán giả trẻ”, nhạc sĩ Hình Phước Liên cho biết.


Những nhạc sĩ khác của Khánh Hòa như: Tố Hải, Hình Phước Long, Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Tiến Liêu… cũng có những ca khúc hay về chủ đề Bác Hồ. Trong bài hát Tiếng Người vọng theo non sông, nhạc sĩ Hình Phước Long đã viết nên những ca từ sâu sắc: “Bác đến Cam Ranh giữa mùa gió lộng/Cánh buồm vàng căng mát tình dân/Giữa nghìn trùng vận nước bão giông/Bác vẫn ung dung trước vòng vây giặc”. Nhạc sĩ Tố Hải trong ca khúc Làng Chăm tiếng hát ơn Người đã nói hộ tình cảm của đồng bào dân tộc Chăm trong nỗi nhớ Bác Hồ. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Anh lại thể hiện tình cảm tha thiết của đồng bào Raglai hướng về Bác: “Bác về với người Raglai rừng nhớ/Bác về ánh lửa sáng mãi trong đêm/Bác là hồn của núi…” (bài hát Người Raglai ơn Bác Hồ). Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Liêu lại khắc họa tình thương của Bác đối với đồng bào, chiến sĩ thông qua ca khúc Bác Hồ cưỡi ngựa ở chiến khu…


Những tác phẩm thơ ca, âm nhạc của các văn nghệ sĩ ở Khánh Hòa viết về Bác Hồ đã phần nào thể hiện cảm xúc, tình cảm, cũng như làm giàu thêm kho tàng tác phẩm văn học nghệ thuật về Bác.


Giang Đình