Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Hai mươi năm trong cõi nhớ!
Chớp mắt đã 20 năm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời xa "cõi tạm". Người Việt vẫn nghe, hát nhạc của ông mỗi ngày.... như đúng lời ông tự sự: "Tất cả mọi điều sẽ qua đi, sẽ biến mất, nhưng tiếng hát, câu ca, một khi đã được khai sinh với ngày thôi nôi huy hoàng của nó thì sẽ ở lại với đời mãi mãi".
Chớp mắt đã 20 năm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời xa “cõi tạm”. Người Việt vẫn nghe, hát nhạc của ông mỗi ngày.... như đúng lời ông tự sự: "Tất cả mọi điều sẽ qua đi, sẽ biến mất, nhưng tiếng hát, câu ca, một khi đã được khai sinh với ngày thôi nôi huy hoàng của nó thì sẽ ở lại với đời mãi mãi".
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất chiều 1-4-2001. Khi ấy, tin tức còn rất chậm, tin từ TP. Hồ Chí Minh báo về nhiều người ở đất cố đô nghe tin còn tưởng đó là trò đùa ngày Cá tháng Tư. Riêng tôi, một anh chàng sinh viên năm nhất vừa khăn gói vào Huế hơn nửa năm, biết tin tác giả của
Diễm xưa, Một cõi đi về... đã mất khi xem ké tivi của bà chủ trọ. Sáng hôm sau và nhiều ngày sau đó nữa, báo chí liên tục đăng tải những bài hồi ức, tưởng nhớ người nhạc sĩ tài danh thế kỷ.
Chiều 2-4 của năm ấy, kênh VTV3 đã “tưởng nhớ” Trịnh Công Sơn bằng cách chiếu lại bộ phim Em còn nhớ hay em đã quên của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần – phim lấy cảm hứng từ cuộc đời và âm nhạc của nhạc sĩ. Tối hôm đó, tôi đạp xe lang thang trên phố, tình cờ đi ngang Nhà Văn hóa Trung tâm TP. Huế thì đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn đang diễn ra. Người đứng chật cả một khúc đường. Trong đám đông ái mộ ấy, tôi nhận ra có bà chủ quán cơm bụi mà mình vẫn ăn hàng ngày, rồi gặp người xích lô vẫn thường đợi khách ở gần cầu Tràng Tiền mà có lần đã bắt gặp… Những ngày ấy, nhiều quán cà phê ở xứ Huế đồng loạt thắp nến, mở những ca khúc tiễn đưa người nhạc sĩ tài hoa về cõi thiên thu!
Như suối nguồn chảy mãi
Hai mươi năm đã qua! Đó là một khoảng thời gian đủ dài để nhiều người chìm vào lãng quên. Thế nhưng, dường như âm nhạc của Trịnh Công Sơn không hề bị quên lãng. Từ hè phố cho đến khán phòng sang trọng! Người Việt vẫn hát, vẫn nghe nhạc Trịnh mỗi ngày. Và hơn hết, âm nhạc của ông không "già" đi theo năm tháng, không lạc hậu với thời cuộc.
Sau những tiếng hát “kinh điển” như Khánh Ly, Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Ngọc Lan là đến Hồng Nhung, Quang Dũng… và nhiều giọng ca khác (từ ca sĩ thành danh đến người mới vào nghề) đã tiếp tục khai thác, làm mới các bản nhạc của ông. Trong đó, ban nhạc Unlimited đã từng làm nổ tung khán trường cả chục ngàn khán giả với bài
Nối vòng tay lớn khi kết hợp giữa rock và giao hưởng. Vài năm gần đây, rapper Hà Lê có nguyên dự án Trịnh Contemporary bằng việc remark lại những ca khúc kinh điển như
Biển nhớ, Mưa hồng, Diễm xưa, Huế - Sài Gòn - Hà Nội... theo nhiều phong cách như RnB, World Music, EDM, Reggae. Và gần đây, cặp đôi Hoàng Trang – Nguyễn Đông đã gây sửng sốt khi trình diễn các ca khúc của Trịnh theo phong cách rất mộc mạc nhưng vẫn đầy cuốn hút, đầy chất thanh xuân. Bản nhạc
Ta đã thấy gì đêm nay do Hoàng Trang hát đã khi được chia sẻ trên Youtube đã thu hút hơn 3,1 triệu lượt nghe. Và như rapper Hà Lê đã nói "nhạc Trịnh có rất nhiều không gian để nghệ sĩ sáng tạo, không phải chỉ một mà có thể là nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau". Vì thế, tôi tin suối nguồn âm nhạc của Trịnh Công Sơn sẽ còn chảy mãi!
Những chiều kích âm nhạc của Trịnh Công Sơn
Lắm khi tôi tự hỏi mình vì đâu mà người Việt say mê nhạc Trịnh đến vậy, dù đã có biết bao trào lưu âm nhạc đến rồi đi? Hỏi cũng tự trả lời, Việt Nam nhiều nhạc sĩ tài danh, nhưng duy nhất Trịnh Công Sơn ôm trọn 3 chủ đề lớn:
tình yêu – quê hương – thân phận với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Bằng một tài năng thiên bẩm,Trịnh Công Sơn đã đem âm nhạc, thơ ca, tư tưởng, triết lý... quyện chặt với nhau trong hình hài các ca khúc, để rồi làm nên hiện tượng văn hóa rất độc đáo mà đến nay nhiều nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục "giải mã"!
Riêng tôi, chưa bao giờ hết bị cuốn hút bởi những giai điệu, ca từ thâm sâu, hư ảo của Trịnh Công Sơn. Càng ngày tôi thấy nhạc của ông gần hơn, đời hơn, hiện diện khắp ngõ ngách đời sống này. Càng nghe nhiều, càng nhận ra và thẩm thấu những chiều kích cao rộng trong âm nhạc của ông! Ngày còn trẻ tôi nghe nhạc Trịnh Công Sơn với những thanh âm vật lý từ máy nghe nhạc, thì giờ đây tôi nghe phần nhiều với những vọng âm từ trong sâu thẳm tâm hồn.Thì đây, một trưa hôm nào nghe tiếng gà gáy giật mình nhớ về
“quê quán tôi xưa” đã lâu không về. Hay sáng mai nay, nhìn chiếc xe tang trên đường phố để rồi thấy đời là cát bụi, dường như ta đã
“sống rất ơ hờ”… và không thể không nghĩ đến cái thời khắc
“những hẹn hò từ nay khép lại, thân nhẹ nhàng như mây” để đi về cõi thiên thu không bến bờ của đời mình. Tâm trạng đấy, buồn đấy nhưng không bi lụy, bởi cuối cùng bao giờ cũng là một sự an nhiên nhẹ nhõm bởi nhạc sĩ đã nhắn nhủ “Hãy cứ vui như mọi ngày. Bên trời còn nắng, lá trời còn xanh”! Những lời ca nhẹ nhàng của ông đã xoa dịu nỗi đau, khích lệ mỗi người vượt lên nghịch cảnh. Cứ vậy, âm nhạc Trịnh Công Sơn dần trở thành một phần máu thịt, đi vào tâm thức của hồn người Việt như khúc hát ru mẹ ầu ơ từ thuở lọt lòng! Thế nên, bây giờ tôi không còn băn khoăn vì sao người đạp xích lô ở xứ Huế năm ấy đã bỏ những cuốc xe để đến nghe đêm nhạc tưởng nhớ người nhạc sĩ tài danh xứ Huế!
Càng có tuổi, thấu hiểu hơn sự hữu hạn của đời người, về những đau thương mà người Việt đã trải qua trong chiều dài lịch sử dân tộc, tôi càng suy tư nhiều hơn khi nghe những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn. Trong những ca khúc ấy, người nhạc sĩ du ca không chỉ ngân lên những khúc ca về khát vọng hòa bình mà còn nặng sâu tình yêu đất nước, tình người Việt Nam “máu đỏ da vàng” với những dự cảm rất sâu sắc. Từ trong đạn bom, người nhạc sĩ có tâm hồn rộng mở ấy đã kêu gọi người Việt “từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay” đấu tranh thống nhất nước nhà;
“Từ Trung - Nam - Bắc chờ mong nung đốt. Những bó đuốc reo vui tự do. Đường đi đến những nơi lao tù. Ngày mai sẽ xây trường hay họp chợ. Dân ta về cày bừa đủ áo cơm no”. Và không chỉ
“dựng mái nhà chung”, người nhạc sĩ mẫn cảm ấy đã thấy cần phải “dựng lại người” xây đắp lại tình dân tộc Việt đã bị mất mát bởi chiến tranh. Sau những tình khúc mang dấu ấn cá nhân, Trịnh Công Sơn đã hòa mình vào dòng chảy thời cuộc với những ca khúc phản chiến, thao thức dõi theo số phận dân tộc... Bản nháp lá thư nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi danh ca Joan Baez vừa được nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Minh Long công bố và trao lại cho gia đình nhạc sĩ ngày 29-3-2021 đã thêm một lần nữa khẳng định khát vọng cháy bỏng về hòa bình, thống nhất đất nước trong tâm khảm của ông! Và lá thư này cũng cho thấy nhận thức về cách mạng của ông rất sâu sắc, chứ không hề nông cạn như một số người đã từng gièm pha quanh cái chữ "nội chiến" trong một ca khúc của ông!
Sinh thời, Trịnh Công Sơn tự nhận mình chỉ là
"một kẻ hát rong đi qua miền đất này để hát lên linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo..." Hai mươi năm đã qua kể từ khi
"người hát rong" ấy về cõi thiên thu! Người Việt vẫn sống cùng âm nhạc của ông mỗi ngày đúng như có lần ông tự sự:
"Tất cả mọi điều sẽ qua đi, sẽ biến mất, nhưng tiếng hát, câu ca, một khi đã được khai sinh với ngày thôi nôi huy hoàng của nó thì sẽ ở lại với đời mãi mãi". Và tôi tin dù bao lâu đi nữa người Việt vẫn sẽ còn nghe nhạc của ông, bởi âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã trở thành di sản văn hóa quý báu của người Việt. Ai đó nói rằng, tuổi đời của một nghệ sĩ nên đo bằng tác phẩm. Xét theo ý hướng đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn hiện diện trong đời sống của chúng ta mỗi ngày như câu hát của ông “Người ngỡ đã đi xa, nhưng người vẫn quanh đây”!
“Nếu phút này tôi nói tôi yêu quê hương của tôi, tôi yêu những người thân thiết của tôi nơi này thì dĩ nhiên chị sẽ chẳng có gì để ngạc nhiên cả. Bởi vì trên mặt đất này ai cũng có một quê hương, nơi đó như một chiếc nôi êm ái mỗi người đã được sinh ra, lớn lên, sống rồi chết. Ở đó cũng còn có cả hạnh phúc lẫn sự khổ đau như hai khuôn mặt muôn đời của đời sống nhân loại...
Nhưng chị làm thế nào hiểu được hết số phận của một đất nước, trên một ngàn năm, chưa hề biết đến sự nghỉ ngơi. Khát vọng về hòa bình, về tình yêu, về hạnh phúc, chính chúng tôi cần hơn bất cứ ai trên cuộc đời này. Tôi không muốn kể ra đây thật nhiều thí dụ, nhưng tôi tin rằng, chị chẳng bao giờ biết được trong những nhà tù cũ tại Việt Nam, có những người ở tù từ năm 1954 chưa hề biết đến ổ bánh mì là gì.
Làm thế nào nói cho hết được về con người trong một xứ sở mà chiến tranh đè nặng suốt hơn một nghìn năm. Và số phận của những con người ấy sẽ như thế nào, nếu không có cuộc Cách mạng vừa qua mang lại độc lập và thống nhất trên đất nước chúng tôi... ?” - Trích bản nháp thư Trịnh Công Sơn gửi nữ danh ca Joan Baez.