11:03, 05/03/2021

Còn thiếu thông tin địa chí về Hòn Bà

Địa danh Hòn Bà (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) vốn nổi tiếng từ lâu. Tuy nhiên, địa chí về địa danh này chưa đầy đủ, phần nhiều là thông tin về địa lý, tự nhiên và tư liệu liên quan đến bác sĩ A.Yersin. Còn thông tin về dân sinh, văn hóa… địa danh này vẫn còn trống.

 

Địa danh Hòn Bà (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) vốn nổi tiếng từ lâu. Tuy nhiên, địa chí về địa danh này chưa đầy đủ, phần nhiều là thông tin về địa lý, tự nhiên và tư liệu liên quan đến bác sĩ A.Yersin. Còn thông tin về dân sinh, văn hóa… địa danh này vẫn còn trống.


Khi nhắc tới Hòn Bà, người ta chỉ biết thông tin về một vùng núi rừng có độ cao gần 1.600m so với mực nước biển, có khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm, được ví là Đà Lạt thứ 2. Nơi đây gắn liền với tên tuổi, hoạt động của ông Năm Yersin. Ở đây còn có một khu bảo tồn thiên nhiên rộng 19.300ha, lưu giữ hệ sinh thái đa dạng với nhiều loại động thực vật có giá trị khoa học cao. Chính vì thế, Hòn Bà được quan tâm nhiều ở góc độ du lịch khám phá. Tuy nhiên, tìm hiểu thông tin về đời sống, văn hóa cư dân ở đây thì rất ít tài liệu đề cập tới. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa từng nhận định, đến giờ Hòn Bà vẫn chưa hình thành cộng đồng làng xóm sinh sống quần cư nên việc tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa, xã hội là không khả thi. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban cho biết, thông tin về địa danh Hòn Bà có rất nhiều, nhưng tư liệu về cư dân Hòn Bà lại rất ít. Bởi thực tế chưa có làng mạc nào ở trên đó. Thông tin về đời sống, văn hóa cư dân vẫn còn ít và rải rác.

 

Ngôi nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin trên đỉnh Hòn Bà.

Ngôi nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin trên đỉnh Hòn Bà.


Quả thực, trên đỉnh Hòn Bà xưa kia vốn chỉ có căn nhà gỗ của bác sĩ A.Yersin để ông làm việc. Cách đây hơn chục năm, có doanh nghiệp lên đây, xây dựng thêm nhà hàng và một số phòng ngủ dành cho khách du lịch. Tuy nhiên, hoạt động du lịch ở đây đã được yêu cầu tạm dừng từ khá lâu nên những công trình này cũng bỏ hoang. Từ đỉnh Hòn Bà đi xuống đến khu vực suối Đá Giăng mới bắt đầu có dân cư sinh sống lác đác, nhưng cũng chỉ có một vài căn chòi canh rẫy, quán ăn chứ không có làng mạc. Phải đến gần khu vực hồ Suối Dầu, dân cư mới sinh sống quần tụ hơn. Theo một tài liệu của xã Suối Cát, địa phương có 3 dân tộc sinh sống là Kinh, Raglai, Churu. Các thôn Suối Lau 1, 2, 3 có khoảng 360 hộ dân tộc Raglai sinh sống với gần 2.000 nhân khẩu ở khu vực dưới chân núi và bên hồ Suối Dầu. Đây có thể là đối tượng để tìm hiểu về đời sống, văn hóa cư dân khu vực Hòn Bà.


Sở dĩ đặt ra vấn đề nghiên cứu văn hóa, dân cư ở khu vực Hòn Bà trong thời điểm này bởi mới đây, có doanh nghiệp mong muốn được đầu tư hoạt động du lịch ở Hòn Bà. Trong quá trình xây dựng hồ sơ dự án, doanh nghiệp đã liên hệ với các cơ quan chức năng của tỉnh để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, khi tìm hiểu nội dung về đặc điểm dân cư, đời sống văn hóa của người dân thì gặp lúng túng. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh trong lĩnh vực văn hóa cũng chưa thể đưa ra những thông tin đầy đủ cho doanh nghiệp. Theo một cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao, khi nhận được đề nghị của doanh nghiệp, sở đã cố gắng liên hệ, tìm kiếm để cung cấp cho đơn vị này nhưng quả thực có rất ít thông tin. Lâu nay, những ai quan tâm đến địa danh Hòn Bà cũng chủ yếu nói đến điều kiện tự nhiên, khí hậu, vị trí địa lý, dấu ấn của bác sĩ A.Yersin, tiềm năng du lịch… mà ít quan tâm tới truyền thống văn hóa, lịch sử của người dân địa phương.


Nếu chủ trương về việc phát triển hoạt động du lịch ở Hòn Bà được thông qua, nên chăng các cơ quan chức năng cần nghiên cứu tổ chức hội thảo, tập hợp thông tin tư liệu một cách có hệ thống về dân cư, văn hóa liên quan đến địa danh Hòn Bà. Đây cũng là cách đưa đến cái nhìn trọn vẹn hơn cho mọi người về một địa danh nổi tiếng của tỉnh và là cơ sở phục vụ cho các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương.


Giang Đình