09:03, 04/03/2021

Cam Ranh: Bảo tồn, phát huy giá trị di tích

Quan tâm công tác bảo tồn


Thời gian qua, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Cam Ranh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, đối với các di tích được công nhận cấp tỉnh, hàng năm, cơ quan chức năng đều tiến hành kiểm tra di tích nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm, xâm phạm di tích theo Luật Di sản văn hóa.

Quan tâm công tác bảo tồn


Thời gian qua, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn TP. Cam Ranh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, đối với các di tích được công nhận cấp tỉnh, hàng năm, cơ quan chức năng đều tiến hành kiểm tra di tích nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm, xâm phạm di tích theo Luật Di sản văn hóa. Công tác trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích được nhân dân tự nguyện đóng góp dưới hình thức xã hội hóa, ước tính hơn 1 tỷ đồng. Đến nay, 3 di tích được Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đưa vào trùng tu với kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Công tác phát huy giá trị di sản qua hoạt động lễ hội truyền thống được chú trọng.

 

Lễ cúng tại đình Trà Long.

Lễ cúng tại đình Trà Long.

 
Đình Trà Long (phường Ba Ngòi) là một trong những minh chứng cho kết quả công tác bảo tồn di tích trên địa bàn thành phố. Đình được lập vào nửa đầu thế kỷ XIX, trải qua bao thăng trầm của đất nước và theo dòng lịch sử cũng đã nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, thay đổi về cấu trúc. Năm 2005, đình được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đây là nơi tổ chức các lễ hội dân gian, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Qua đó, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, những truyền thống văn hóa được lưu truyền, bảo tồn cho các thế hệ mai sau. Ông Trần Văn Gấm - Trưởng Ban quản lý di tích đình Trà Long cho biết: “Năm qua, chúng tôi đã vận động xã hội hóa, kêu gọi mạnh thường quân đóng góp tài chính, công sức để tu bổ, sửa chữa một số hạng mục xuống cấp, đổ bê tông gần 400m2 sân đình sạch đẹp… với tổng kinh phí 120 triệu đồng”.


Tại Lăng Ông - Đền Bà Cam Xuân (phường Cam Phúc Nam), những năm qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm việc bảo tồn và phát huy di sản, đã thành lập Ban Quản lý di tích để trông coi hương khói, phục vụ du khách đến tham quan. Lễ hội Lăng Ông - Đền Bà diễn ra hàng năm có ý nghĩa to lớn trong việc duy trì, phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương và gắn kết cộng đồng ở khu dân cư. Vào các ngày lễ, Tết, tại đây diễn ra hoạt động văn hóa truyền thống như: Trò chơi kéo co, đập ấm, đua thuyền chèo… thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương đến tham dự. Ông Đỗ Hữu Cơ - Trưởng Ban quản lý di tích Lăng Ông - Đền Bà Cam Xuân nói: “Hàng năm, vào dịp Tết, Ban Quản lý di tích đều tổ chức các trò chơi dân gian; tuyên truyền cho mọi người và con cháu hiểu về lịch sử di tích và cùng nhau phát huy bản sắc dân tộc”.


Tiếp tục phát huy giá trị di tích

 

Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Cam Ranh, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 70 di tích - danh thắng, trong đó 7 di tích được công nhận di tích cấp tỉnh, 1 di tích cấp quốc gia; có 22 chùa; 4 thánh thất; 1 đền thờ phật mẫu; 8 đình làng, 15 lăng miếu; 2 bia mộ, 9 di tích lịch sử cách mạng; 1 di tích lưu niệm sự kiện. Đặc biệt, có 2 di chỉ khảo cổ học là Di chỉ khảo cổ học Xóm Cồn (thuộc tổ dân phố văn hóa Xóm Cồn, phường Cam Linh) và Di chỉ khảo cổ học Hòa Diêm (thôn Hòa Diêm, xã Cam Thịnh Đông).

Ông Nguyễn Ngọc Vinh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP. Cam Ranh cho biết: “Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phòng sẽ có phương án tham mưu tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm duy trì hoạt động văn hóa truyền thống nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân tham gia hoạt động tín ngưỡng tại các di tích phù hợp với truyền thống; tuyên truyền mạnh mẽ việc thực hiện nếp sống văn minh và giữ gìn cảnh quan, môi trường tại di tích”.


Thời gian tới, Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố tiếp tục đề ra nhiều giải pháp để phát huy giá trị di tích trên địa bàn như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa sửa đổi bổ sung năm 2009; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt kế hoạch liên tịch của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Trung ương Đoàn về “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực” thông qua nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, nỗ lực phát huy công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh; tham mưu tích cực cho UBND thành phố và hướng dẫn các cấp, ngành, địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa... Qua đó tạo lập không gian, môi trường văn hóa đáp ứng nhu cầu giao lưu, sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân.


Phan Hương