Mô hình Chuyến xe tri thức đã được Vụ Thư viện triển khai cho nhiều thư viện trong cả nước, nhưng với Thư viện tỉnh, đây vẫn còn là niềm mong mỏi. Điều này làm giảm đi một cơ hội tiếp cận tri thức qua sách của người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Mô hình Chuyến xe tri thức đã được Vụ Thư viện triển khai cho nhiều thư viện trong cả nước, nhưng với Thư viện tỉnh, đây vẫn còn là niềm mong mỏi. Điều này làm giảm đi một cơ hội tiếp cận tri thức qua sách của người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Đã có nhiều chuyến xe
Trong dịp Đại hội Liên hiệp Thư viện Nam Trung Bộ - Tây Nguyên được tổ chức tại TP. Nha Trang cuối tháng 6, chúng tôi rất ấn tượng với nội dung giới thiệu của lãnh đạo Thư viện tỉnh Quảng Nam về mô hình Chuyến xe tri thức. Đây là mô hình được Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) hỗ trợ vào năm 2018. Theo đó, thư viện địa phương được trang bị một xe ô tô có chức năng gần giống với một phòng đọc di động. Trên xe có trang bị hệ thống máy vi tính, các loại sách báo, tài liệu phù hợp với đối tượng độc giả mà chuyến xe hướng tới; cùng bàn ghế để đọc sách, mái hiên, dù che mưa nắng… Tất cả đều được thiết kế đẹp mắt nhằm tạo sức hút đối với mọi người đến mượn sách đọc. Không chỉ ở Quảng Nam, các địa phương khác trong khu vực như: Gia Lai, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Lâm Đồng… đều đã được thụ hưởng mô hình này.
Khi chưa có mô hình này, hầu như thư viện của địa phương nào mỗi lần đưa sách về cơ sở đều phải thuê xe ngoài. Điều đó chỉ giải quyết được vấn đề phương tiện vận chuyển sách, chứ chưa thể trở thành một tụ điểm đọc sách. Vậy nên, khi có mô hình Chuyến xe tri thức, các địa phương đã có sự chủ động trong việc đưa sách đến đâu, thời gian bao lâu, cách thức thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả. “Thời gian qua, thành công nổi bật nhất của nhiều thư viện ở các địa phương trong khu vực chính là đã phát huy hiệu quả mô hình Chuyến xe tri thức. Từ mô hình này, các thư viện đã tăng cường đáng kể thời lượng, chất lượng phục vụ độc giả ở vùng sâu, vùng xa. Đã có 724 điểm đến thường xuyên của Chuyến xe tri thức với 1.620 chuyến phục vụ độc giả. Trung bình hàng năm, thông qua mô hình, thư viện các địa phương trong khu vực đã phục vụ được hơn 200.000 lượt độc giả tại các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, các đồn biên phòng, trường học”, bà Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch Liên hiệp Thư viện Nam Trung Bộ - Tây Nguyên cho biết.
Bao giờ được triển khai?
Mô hình Chuyến xe tri thức được Vụ Thư viện triển khai thí điểm cho thư viện 5 tỉnh, thành phố đại diện các khu vực trong cả nước từ năm 2016. Đến năm 2018, nhận thấy hiệu quả của mô hình nên Vụ Thư viện tiếp tục triển khai ở thư viện của 8 tỉnh, thành phố khác. Đến năm 2019, được sự tài trợ của một doanh nghiệp, đã có thêm 31 chiếc xe theo mô hình Chuyến xe tri thức được đưa về thư viện của 31 tỉnh, thành phố, nâng số thư viện được thụ hưởng mô hình này lên con số 44. |
Mặc dù chưa có Chuyến xe tri thức nhưng Thư viện tỉnh vẫn luôn nỗ lực để đưa sách đến gần với độc giả ở vùng sâu, vùng xa. 3 năm gần đây, đơn vị đã thực hiện 108 đợt luân chuyển sách với 107.441 bản sách về cơ sở; duy trì việc luân chuyển sách đến 81 điểm sách ở các trường học, đồn biên phòng, trại giam, bưu điện văn hóa xã; xây dựng kho sách lưu động để luân chuyển đến các điểm ở cơ sở với nguồn sách 76.862 bản; tổ chức 11 buổi phục vụ sách lưu động kết hợp trưng bày, triển lãm sách tại các trường học… “Thông qua mỗi đợt như thế đã góp phần giúp nhiều độc giả tiếp cận với nguồn sách mới. Vậy nên, nếu đơn vị được Vụ Thư viện quan tâm cho thực hiện mô hình Chuyến xe tri thức sẽ giúp việc đưa sách về cơ sở giảm bớt khó khăn, đạt hiệu quả cao hơn nữa”, ông Nguyễn Châu Hùng - Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết.
Theo lãnh đạo Thư viện tỉnh, từ năm 2018 đến nay, đơn vị đã nhiều lần kiến nghị với Vụ Thư viện để được tài trợ thực hiện mô hình Chuyến xe tri thức. Gần đây nhất, trong buổi làm việc với bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, đơn vị lại kiến nghị vấn đề này. Lãnh đạo Vụ Thư viện đã ghi nhận kiến nghị của Thư viện tỉnh về nội dung này.
Hiệu quả từ mô hình Chuyến xe tri thức đã được kiểm chứng thực tế. Vậy nên chăng, ngoài việc trông chờ vào sự tài trợ của Vụ Thư viện, đơn vị chức năng nên có hướng tham mưu, đề xuất với tỉnh về nội dung này để góp phần phát triển văn hóa đọc về vùng sâu, vùng xa.
Giang Đình