Qua 20 năm thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", đời sống cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) ngày càng cải thiện, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Qua 20 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đời sống cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) ngày càng cải thiện, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Lồng ghép có hiệu quả các phong trào
Những năm qua, huyện Khánh Vĩnh đã chủ động thực hiện lồng ghép các nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vào các phong trào thi đua yêu nước khác, làm lan tỏa mạnh mẽ tinh thần thi đua trong các tầng lớp nhân dân. Các phong trào cụ thể đã được lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và các xã, thị trấn theo từng năm.
Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, thời gian qua, công tác tuyên truyền trên địa bàn huyện luôn được Ban chỉ đạo phong trào và các ngành quan tâm tổ chức với nhiều hình thức như: Tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng xây dựng phong trào và đăng ký xây dựng gia đình văn hóa vào ngày hội đại đoàn kết dân tộc 18-11 hàng năm; lắp đặt pano tuyên truyền về nội dung xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa... tại các xã, thị trấn; tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa như: Tổ chức Liên hoan làng văn hóa hàng năm; xây dựng tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về tiêu chuẩn các danh hiệu văn hóa đến từng hộ gia đình trên địa bàn huyện...
Từ hiệu quả của công tác tuyên truyền, các phong trào thi đua được các cấp, ngành của huyện phát động và đạt hiệu quả cao. Trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, năm 2000, toàn huyện chỉ có 1.214/5.386 hộ đăng ký, cuối năm có 136 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 11,2% thì đến năm 2019, đã có 8.894/9.600 hộ đăng ký, cuối năm có 8.490 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 95,46%. Trong phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa, 20 năm qua, huyện đã tổ chức phát động xây dựng đến 100% thôn, tổ dân phố trên toàn huyện. Hàng năm, Ban chỉ đạo huyện tổ chức kiểm tra, đánh giá việc bình xét, khen thưởng các thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa. Năm 2000, toàn huyện chỉ phát động được 4/45 thôn xây dựng danh hiệu văn hóa, cuối năm xét và công nhận 2 thôn văn hóa, đạt 4,4%; đến năm 2019, huyện có 45/47 thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa. Toàn huyện có 1 tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa liên tục 20 năm và có 6 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa liên tục từ 10 năm trở lên.
Mặt khác, Ban chỉ đạo phong trào của huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm xử lý và chấn chỉnh các cơ sở, điểm kinh doanh dịch vụ văn hóa, trò chơi điện tử công cộng truyền bá những thị hiếu âm nhạc, những quan điểm lệch trên mạng làm ảnh hưởng đến lối sống, tư tưởng văn hóa lành mạnh của thế hệ trẻ; kịp thời ngăn chặn những nghi thức tổ chức lễ hội đi ngược với chủ trương, đường lối của Đảng; bài trừ các tệ nạn ma túy, mại dâm, bạo lực làm mất trật tự an toàn xã hội. Nhờ đó, môi trường văn hóa trên địa bàn huyện ngày càng trong sạch, lành mạnh; an ninh trật tự ở các khu dân cư được giữ vững ổn định; các trường hợp tảo hôn ngày càng giảm; các vụ bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội như cờ bạc, mại dâm được kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc. Đến nay, tổng số thôn, tổ dân phố thực hiện các tiêu chí về vệ sinh môi trường là 39/39 thôn; 12/14 xã, thị trấn đạt danh hiệu lành mạnh không có tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm; 39/39 thôn, tổ dân phố thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn mới
Theo bà Mến, tuy đạt được nhiều kết quả nhưng việc triển khai phong trào vẫn còn một số hạn chế như: Việc thực hiện các tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn mới còn khó khăn, nhất là đầu tư, xây dựng nhà văn hóa - khu thể thao xã, thôn; việc phát huy chức năng của các thiết chế văn hóa - thể thao cấp cơ sở còn hạn chế...
Giai đoạn 2020 - 2025, nhằm tiếp tục phát triển phong trào, huyện Khánh Vĩnh phấn đấu tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 90%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa đạt 95%; 99% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa... “Ban chỉ đạo đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn mới như: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động làm chuyển biến nhận thức của toàn xã hội, trước hết là trong cấp ủy, chính quyền, Mặt trận đoàn thể, quần chúng nhân dân về tầm quan trọng, sự cần thiết của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới; thực hiện có chất lượng phong trào gắn với phong trào xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm trên các lĩnh vực hoạt động văn hóa, dịch vụ; bài trừ tệ nạn xã hội...”, bà Mến nói.
V.Thành