08:07, 10/07/2020

Đa dạng hình thức phát triển văn hóa đọc

Nhằm đưa sách đến độc giả, thúc đẩy văn hóa đọc và chủ trương học tập suốt đời trong cộng đồng, thời gian qua, Thư viện tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động và bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực.

Nhằm đưa sách đến độc giả, thúc đẩy văn hóa đọc và chủ trương học tập suốt đời trong cộng đồng, thời gian qua, Thư viện tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động và bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực.
 
Nhiều hoạt động phổ biến sách 
 
Thực hiện đề án đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh, Thư viện tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể đến các đối tượng độc giả, dưới nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các hội thi, đưa sách về cơ sở. Từ năm 2015 đến nay, cuộc thi đọc sách, kể chuyện sách đã trở thành sinh hoạt thường niên ở các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh. Cứ vào mỗi dịp hè, các em thiếu nhi lại hào hứng tham gia hội thi cấp huyện, cấp tỉnh để kể cho mọi người cùng nghe những câu chuyện hay, ý nghĩa được các em tìm hiểu từ sách báo. Mỗi năm, hội thi lại có một chủ đề khác nhau để các em nhỏ cùng tìm đọc những câu chuyện, kiến thức liên quan. “Cháu rất thích đọc sách và thích kể những câu chuyện mình đọc được cho các bạn cùng nghe. Cháu đã nhiều lần tham gia hội thi kể chuyện theo sách. Cứ mỗi lần như thế, cháu lại học được thêm những điều bổ ích từ các bạn”, Cao Ngọc Anh - học sinh Trường Tiểu học Phước Hòa 2 (TP. Nha Trang) cho biết.
 

 

Một tiết mục tham gia hội thi thiếu nhi kể chuyện sách năm 2019.

Một tiết mục tham gia hội thi thiếu nhi kể chuyện sách năm 2019.

 
Bên cạnh đó, Thư viện tỉnh cũng đã tranh thủ nguồn vốn, nguồn sách báo từ các chương trình mục tiêu tài trợ để phát triển mạng lưới thư viện từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh xã hội hóa công tác thư viện, xây dựng tủ sách tại các thôn, tổ dân phố, khu dân cư. Đơn vị đã thực hiện xã hội hóa, nâng cấp, cải tạo Phòng đọc thiếu nhi có diện tích hơn 200m 2; trang bị giá sách màu, bàn ghế, hệ thống ánh sáng phù hợp… Từ nguồn tài liệu do các nhà xuất bản, bạn đọc, tác giả biếu tặng, đơn vị đã thực hiện hỗ trợ cho các thư viện cấp huyện. Trong 5 năm 2015 - 2020, Thư viện tỉnh tiếp nhận 9.714 bản sách và đã chia sẻ, hỗ trợ cho tuyến cơ sở 4.005 bản.
 
Hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn đọc sách cũng được Thư viện tỉnh quan tâm thực hiện trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình, báo chí, mạng xã hội. Đơn vị thường xuyên tổ chức trưng bày, giới thiệu sách. Với mô hình thư viện lưu động, trong 3 năm qua, đơn vị đã luân chuyển 108 đợt với 107.441 bản sách về cơ sở; duy trì việc luân chuyển sách đến 81 điểm sách ở các trường học, đồn biên phòng, bưu điện văn hóa xã…
 
Vẫn còn khó khăn
 
Theo ông Nguyễn Châu Hùng - Giám đốc Thư viện tỉnh, tuy đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy sự phát triển của văn hóa đọc trong cộng đồng nhưng để có thể khôi phục phong trào đọc sách, gia tăng tỷ lệ đọc sách trong dân cư vẫn còn là một bài toán khó. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Thư viện tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thư viện, cán bộ phục vụ tại các trạm, phòng đọc sách cơ sở; triển khai hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý thư viện tại Thư viện huyện Vạn Ninh, Thư viện huyện Cam Lâm, Làng trẻ em SOS Nha Trang… và đang tiếp tục triển khai cho một số thư viện cấp huyện khác trong năm 2020. Đơn vị cũng đã xây dựng được 4 thư viện xã, các trạm sách đặt ở UBND xã, Trung tâm học tập cộng đồng, câu lạc bộ, tổ dân phố; xây dựng kho sách lưu động để luân chuyển đến các điểm ở cơ sở với nguồn sách 76.862 bản; tổ chức 11 buổi phục vụ lưu động kết hợp trưng bày, triển lãm sách tại các trường học…  
 
Tuy nhiên, việc phát triển văn hóa đọc đang gặp những trở ngại nhất định. Các thư viện cơ sở tại bưu điện văn hóa xã ban đầu làm tốt việc luân chuyển, phục vụ sách báo cho người dân địa phương, tuy nhiên về sau, các điểm này hoạt động cầm chừng, không hiệu quả. Việc thiếu phương tiện vận chuyển sách cũng là một hạn chế đối với việc phát triển phong trào đọc sách ở các thôn, xã. “Để giải quyết được những vướng mắc trong hoạt động phát triển văn hóa đọc, thời gian tới, cần nâng cao nhận thức, năng lực của đội ngũ cán bộ làm thư viện ở cơ sở; cải thiện chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện cấp huyện, phát triển các phòng đọc sách hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, quan tâm xây dựng và phát triển các phòng đọc sách ở các xã nông thôn mới và vùng khó khăn trên địa bàn”, ông Nguyễn Châu Hùng cho biết. 
 
Giang Đình