Cách đây hơn 30 năm, trong chương trình văn nghệ ở một trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi chợt nghe một sinh viên người Phú Yên cất tiếng hát: "Bình thường, bình thường thôi, dòng sông quê hương tôi". Là người con của đất Phú Khánh, tôi hiểu rằng đây là một bài hát viết về dòng sông nhỏ chảy qua miền đất Ninh Hòa "trăm mến ngàn thương", sau này mới biết đó là bài hát có tên Ơi con sông Dinh của nhạc sĩ Hình Phước Liên quê Ninh Hòa.
Cách đây hơn 30 năm, trong chương trình văn nghệ ở một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh, tôi chợt nghe một sinh viên người Phú Yên cất tiếng hát: “Bình thường, bình thường thôi, dòng sông quê hương tôi”. Là người con của đất Phú Khánh, tôi hiểu rằng đây là một bài hát viết về dòng sông nhỏ chảy qua miền đất Ninh Hòa “trăm mến ngàn thương”, sau này mới biết đó là bài hát có tên Ơi con sông Dinh của nhạc sĩ Hình Phước Liên quê Ninh Hòa.
Nhạc sĩ Hình Phước Liên sáng tác bài hát Ơi con sông Dinh vào năm 1981, giai đoạn đất nước bắt đầu gặp nhiều khó khăn sau giải phóng, có nhiều người đã từ bỏ quê hương ra đi. Theo nhạc sĩ, dù đã sáng tác từ trước năm 1975 với vốn kiến thức âm nhạc tự học, nhưng sang giai đoạn mới, lẽ ra phải viết những ca khúc có khí thế, vậy mà ông cùng anh trai - nhạc sĩ Hình Phước Long vẫn ảnh hưởng phong cách nhạc trữ tình trước đó. Chính vì nét riêng đó mà nhạc sĩ Hình Phước Long viết bài Gần lắm Trường Sa cũng theo phong cách đó mà tạo ấn tượng.
Ở thời điểm đầu thập niên 1980, bản nhạc nhỏ viết về dòng sông nhỏ, lời ca giản dị trên nền giai điệu mềm mại, dịu nhẹ như lời ru của mẹ năm xưa thực sự rất hiếm, bởi giai đoạn này có nhiều ca khúc rất khí thế của ngày đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Gần 40 năm đã qua, nhưng qua lời bài hát, chúng ta hiểu rằng, Ơi con sông Dinh là cảm xúc rất riêng, rất thật của chàng trai 26 tuổi lúc bấy giờ. Ngay từ đầu ca khúc, lời ca như một câu nói thật khiêm tốn, giản dị: “Bình thường, bình thường thôi. Bạn ơi quê hương tôi. Cùng núi giăng mây cùng lúa xanh đôi bờ. Và dòng sông nước chảy đầy vơi sớm tối. E ấp sông như cô gái quê tròn trăng”. Một dòng văn đơn giản nhưng có ý tứ rõ ràng ẩn hiện mà tới gần cuối người nghe mới hiểu tác giả đang giới thiệu về một dòng sông quê, tuy nhiên ví dòng sông như cô gái 16 tuổi thì thật là tạo nét gợi mở. Có lẽ, Hình Phước Liên đã học Hán văn với những bài thơ Đường cổ nên lối viết tưởng giản dị nhưng lại thầm khoe vẻ đẹp thuần khiết mà rạng ngời của dòng sông khi ví như cô gái 16 tuổi! Tiếp đó, nỗi lòng người con của dòng sông Dinh đã thể hiện hết tấm lòng yêu thương, tràn trề cảm xúc: “Nhưng nếu tôi xa dòng nước xanh quê nhà. Là trọn đời tôi sẽ nghèo đi nỗi nhớ. Như con sông phơi bãi cát hoang cằn khô”. Giai điệu và lời ca thấm đẫm yêu thương quê hương thông qua một dòng sông.
Nghe lời ca, những người con sống bên bờ sông Dinh đều hiểu: Con sông bắt nguồn từ núi Mẹ bồng con ở cao nguyên Khánh Dương (nay là Madrak) chảy xuống, nhận những dòng suối bé nhỏ hòa thành con sông Dinh, qua bao cánh đồng làng quê ra biển Hà Liên, Ninh Hà. Cái tên Dinh xuất phát từ một dinh quan nằm bên bờ sông ở thị trấn, tên gốc của sông là sông Cái - Ninh Hòa. Dinh không còn là cái tên của tòa nhà gạch khô khan mà hòa vào dòng nước, lũy tre xanh đôi bờ thành cái tên thân thuộc, thiết tha với sự mềm mại của lời thơ. Thật kỳ diệu!
Phải nói rằng Hình Phước Liên có ca từ tuyệt diệu: “Con sông quê hương chảy từ buồng tim của mẹ. Ôm con chờ chồng rồi hóa đá vọng phu”. Từ hiện tượng tự nhiên hiện hữu của dòng sông thành hình tượng khái quát của người phụ nữ quê hương với bao khổ đau, với lòng chung thủy - dòng sông.
Hơn 40 năm trôi qua, Ơi con sông Dinh đã cùng với những người con Ninh Hòa đi khắp năm châu, coi đó như dòng nước chảy mãi tâm hồn mình mỗi khi nhớ về quê hương. Thể hiện bài hát có nhiều người, mỗi người một vẻ: Long Nhật, Hạ Vi, Mai Hoa…, nhưng Long Nhật với chất giọng pha màu Huế thực sự làm xao xuyến người nghe.
Nhạc sĩ Hình Phước Liên có nhiều bài hát nhưng phổ biến nhất, được công chúng thường nghe là bài Ơi con sông Dinh và Đường làng năm ấy. Hai món quà của nhạc sĩ dâng tặng cho quê hương và sẽ ở lại mãi mãi trong lòng người, nhất là những người con đất Ninh Hòa.
Dương Trang Hương