Khánh Hòa là miền đất có màu văn chương đặc sắc. Theo thống kê, hàng năm, có mười mấy đầu sách đủ thể loại của các cây bút xứ Trầm được xuất bản, gồm: truyện ngắn, truyện dài, tản văn, dịch thuật, phê bình - chân dung và nghiên cứu văn hóa dân gian. Khánh Hòa cũng có giải thưởng sách hàng năm cho các tác giả.
Khánh Hòa là miền đất có màu văn chương đặc sắc. Theo thống kê, hàng năm, có mười mấy đầu sách đủ thể loại của các cây bút xứ Trầm được xuất bản, gồm: truyện ngắn, truyện dài, tản văn, dịch thuật, phê bình - chân dung và nghiên cứu văn hóa dân gian. Khánh Hòa cũng có giải thưởng sách hàng năm cho các tác giả. Tuy nhiên, suốt bao năm qua, rất hiếm có một chương trình giới thiệu sách chứ chưa nói đến tổ chức hội thảo về một cuốn sách hay, chuyên đề về sách ở Khánh Hòa. Vì sao có sự trầm lắng như thế? Trả lời câu hỏi này, một tác giả sách thú nhận: “Ngại, không ai làm, mình làm mang tiếng khoe khoang”. Một tác giả vừa có một cuốn sách được dư luận đánh giá tốt cho rằng do ở Nha Trang chưa có “trào lưu” này lên không dám làm! Và có lẽ, một phần quan trọng là Hội Văn học Nghệ thuật và các phân hội, trong đó có văn học đã quên mất điều này.
Trong khi đó, ở TP. Hồ Chí Minh, vào dịp cuối tuần, tại Đường sách thường xuyên có các tác giả đến đây làm chương trình giới thiệu sách của mình trước bạn bè và độc giả, trong số này có rất nhiều tác giả trẻ. Họ tự tin làm chương trình với âm nhạc, đọc sách và nói chuyện về cuốn sách cũng như dự kiến tương lai của mình. Về truyền thông, ngoài mời báo chí, các tác giả tự tổ chức livestream trên mạng xã hội về cuộc chơi của mình đến với cộng đồng. Với các tác giả có tiếng tăm thì mỗi chương trình giới thiệu sách là một sự kiện văn hóa lớn được đông đảo công chúng tới dự, thưởng thức và mua sách.
Ở các tỉnh lân cận, chúng tôi thấy các địa phương như: Đắk Lắk, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận cũng thường xuyên có tác giả được Hội Văn học Nghệ thuật bảo trợ giới thiệu sách của mình rất trang trọng, ấm cúng.
Văn học Khánh Hòa có lẽ cần sự khởi động mới, tạo động lực mới cho tác giả và phong trào sáng tác văn học. Trước hết, Hội Văn học Nghệ thuật hãy bảo trợ cho một số tác giả tên tuổi, có sách mới ra để tạo hiệu ứng xã hội. Tuy nhiên, nòng cốt chính là các tác giả, bởi chỉ khi tác giả có nhu cầu, có tâm huyết thì Phân hội Văn học sẽ đồng hành cùng tác giả, hỗ trợ về tinh thần cũng như khâu tổ chức để thành công.
Theo họa sĩ Trần Hà - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa, hội rất ủng hộ các tác giả, cơ sở vật chất ở hội luôn sẵn sàng phục vụ các tác giả đến tổ chức giới thiệu sách. Nhà văn Ái Duy - người ra nhiều cuốn sách hay cũng rất ủng hộ nên có “càfe sách” vì đây là hoạt động văn hóa, tạo không khí văn hóa lành mạnh trong giới văn nghệ và một phần công chúng. Nhà văn Chế Diễm Trâm - Phó Phân hội Văn học cho rằng, Nha Trang thời gian qua có nhiều tác giả xuất bản sách, trong đó có nhiều cuốn rất giá trị nhưng tiếc là các tác giả do e ngại nên không tổ chức giới thiệu sách. Phân hội Văn học sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành với tác giả khi có tín hiệu yêu cầu. Trong thời gian tới, phân hội sẽ tiến hành tổ chức giới thiệu sách cho một số tác giả mới ra sách và hy vọng sẽ thành một phong trào ở Khánh Hòa.
Như vậy, điều quan trọng ở đây là cần phải mạnh dạn khởi động để làm. Tất cả đều ở phía trước, tùy vào mỗi tác giả.
Dương Trang Hương