Sở Văn hóa và Thể thao vừa tham mưu dự thảo quyết định về đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi để UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa về vấn đề này, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết:
Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) vừa tham mưu dự thảo quyết định về đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi để UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét phê duyệt. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa về vấn đề này, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở VH-TT cho biết:
- Đây là việc làm cần thiết để giữ gìn và góp phần làm tỏa sáng một trong những di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ở đất nước ta. Khánh Hòa cùng với các tỉnh, thành khác trong khu vực duyên hải miền Trung vinh dự là chủ nhân của di sản đó. Bởi khi đề án được thông qua, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, câu lạc bộ bài chòi, nghệ nhân… ở 6 huyện, thị xã, thành phố có liên quan đến nghệ thuật bài chòi có trách nhiệm triển khai thực hiện. Từ đó, chúng ta huy động được mọi nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản bài chòi.
- Vậy mục tiêu cụ thể được đề ra trong đề án là gì, thưa ông?
- Dự thảo xây dựng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cụ thể hóa chương trình mục tiêu quốc gia để tuyên truyền, quảng bá, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản bài chòi; thực hiện sản xuất, in ấn tài liệu về kỹ năng trình diễn, các tuồng, lớp, tích về nghệ thuật bài chòi dân gian do các nghệ nhân thực hiện để tránh tình trạng bị mai một, biến dạng; phục dựng một điểm trò chơi dân gian hô bài chòi tại thị xã Ninh Hòa trở thành nơi sinh hoạt văn hóa của địa phương. Phấn đấu đạt 90% tài liệu, hiện vật về các kịch bản, tuồng, tích, nhạc cụ, trang phục được sưu tầm, tư liệu hóa để lưu trữ, bảo quản, trưng bày phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá tại Bảo tàng tỉnh và trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các tổ chức bài chòi, thành viên câu lạc bộ, nghệ nhân thực hành, sáng tạo, truyền dạy, tham gia các hội thi, hội diễn; lồng ghép nghệ thuật bài chòi vào các chương trình hội thi, hội diễn, văn nghệ, lễ hội...; tổ chức giới thiệu, quảng bá các giá trị nghệ thuật bài chòi trong nhà trường, vào hoạt động du lịch…
- Khi đề án được phê duyệt, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm như thế nào để triển khai đạt hiệu quả?
- Trong giai đoạn 2020 - 2023, đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi đặt ra cho các tổ chức, cá nhân liên quan 7 nhiệm vụ chính cần thực hiện. Trước hết, tuyên truyền về di sản bài chòi trên các phương tiện thông tin đại chúng với nội dung, hình thức phù hợp với điều kiện địa phương; tiến hành phục dựng toàn bộ các tuồng, lớp, tích về nghệ thuật bài chòi dân gian; triển khai việc bố trí địa điểm để làm khu vực tổ chức trò chơi hô bài chòi ở thị xã Ninh Hòa và duy trì hoạt động này. Sưu tầm, tư liệu hóa các tài liệu, hiện vật về bài chòi. Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động sân khấu học đường với nghệ thuật bài chòi tại các trường ở 6 địa phương: Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm, Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh; nghiên cứu hoàn thiện về nghệ thuật bài chòi dân gian nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong bảo tồn và phát huy giá trị; tăng cường hoạt động giới thiệu, quảng bá di sản bài chòi đến các doanh nghiệp du lịch, du khách ở trong và ngoài nước.
- Xin cảm ơn ông!
GIANG ĐÌNH (Thực hiện)