Nói đến nhạc sĩ Nguyễn Cường, ai cũng nghĩ đến những bản nhạc chủ đề Tây Nguyên sôi động, cháy bỏng: Ơi M'Đrăk, Ly cà phê Ban Mê, Đôi mắt Pleiku, Hơ ren lên rẫy, Em muốn sống bên anh trọn đời…
Nói đến nhạc sĩ Nguyễn Cường, ai cũng nghĩ đến những bản nhạc chủ đề Tây Nguyên sôi động, cháy bỏng: Ơi M’Đrăk, Ly cà phê Ban Mê, Đôi mắt Pleiku, Hơ ren lên rẫy, Em muốn sống bên anh trọn đời… và có vẻ như ông là nhạc sĩ sáng tác thành công nhất chủ đề này. Ít ai biết rằng, nhạc sĩ gốc Hà Nội này lại có một dòng nhạc khác rất ấn tượng: Biển cả và phố đời.
Xin nhắc một chút về cái duyên vì sao Nguyễn Cường lại say đắm Tây Nguyên như thế? Ông vốn sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội: Hàng Bạc! Sau khi học biểu diễn violoncelo (đại vĩ cầm) Trường Âm nhạc Việt, Nguyễn Cường vào Đoàn Văn công Tây Nguyên (năm 1964). Tại đây, ông đã được tắm mình trong âm thanh nhạc cụ dân tộc do những nhạc sĩ, nhạc công của Tây Nguyên sáng tác biểu diễn để phục vụ chiến trường, thu âm cho Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói giải phóng miền Nam phát cho đồng bào cả nước. Sau ngày đất nước giải phóng, Nguyễn Cường được vào đại ngàn Tây Nguyên sống, làm việc. Đất và người nơi đây đã giúp ngọn lửa trong trái tim chàng trai thủ đô đẫm chất lãng tử bùng cháy với sự khát khao cống hiến!
Những tưởng Nguyễn Cường sẽ chỉ sống và chết với Tây Nguyên bằng âm nhạc nhưng thực ra, trước đó và sau này có một Nguyễn Cường khác, đó là: Chất trữ tình của biển cả, phố đời với chất dân ca miền sông Hồng. Không phải biển mênh mông bao la không xác định, mà đó là miền biển nhạc sĩ say đắm từ thời trai trẻ - vùng mỏ vịnh Hạ Long. Điều này đã được thể hiện rõ trong các bài: Hò biển, Tôi về đây nghe sóng, đặc biệt là bài Mái đình làng biển. Nguyễn Cường góp 3 bài hát về chủ đề biển đạt mức độ hay, hiện đại trong giai điệu, được các ca sĩ nổi tiếng như: Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam biểu diễn trên sân khấu nhạc nhẹ suốt thập niên 90 của thế kỷ trước. Nguyễn Cường cũng dành cho Trường Sa nhiều ca khúc tươi trẻ, hồn nhiên, được những người lính thế hệ trước vô cùng yêu thích.
Bài hát Một nét ca trù ngày xuân có giai điệu của ca trù cổ trộn tiết tấu hiện đại với sự độc đáo hiếm có trong số những bài hát chủ đề này như một bức tranh về mùa xuân và Tết xưa của làng quê réo rắt, thiết tha. Đây là sự tài hoa của ông về sự đa dạng sáng tác mà không phải nhạc sĩ nào cũng làm được, xứng đáng là một trong “Bộ tứ sông Hồng” gồm: Phó Đức Phương, Dương Thụ, Trần Tiến và Nguyễn Cường. Đây cũng là những gương mặt lớn của âm nhạc Việt Nam đương đại.
Sự thành công của Nguyễn Cường nói như nhạc sĩ Dương Thụ là “mê dân ca tới sùng bái” và chính ông cũng công nhận: “ Suốt đời tôi cứ đau đáu chất liệu dân ca của người Việt và dân tộc ở Tây Nguyên”. Từ tình yêu đó, Nguyễn Cường đã thẩm thấu rồi tinh chế ra những nét nhạc óng ánh như tơ, ngọt ngào như mật vào từng nốt nhạc thành giai điệu đồng nhất của một tác phẩm âm nhạc.
Dân ca quê hương đã nâng cho đôi cánh chim Nguyễn Cường bay qua sông Hồng, ra biển Hạ Long vào Tây Nguyên để hót vang những bài hát say đắm cho mọi người.
DƯƠNG TRANG HƯƠNG