12:03, 14/03/2020

Quan tâm tu bổ di tích

Thời gian qua, công tác tu bổ di tích trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đúng mức, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc...

Thời gian qua, công tác tu bổ di tích trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đúng mức, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Mới đây nhất, cuối tháng 1, UBND tỉnh Khánh Hòa đã quyết định về việc cho phép lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ đối với 18 di tích cấp tỉnh...
 
Nhiều di tích sẽ được tu bổ
 
Qua thực tế cho thấy, hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh được hình thành khá lâu nên đa số đều xuống cấp. Đặc biệt, trong cơn bão số 12 năm 2017, nhiều di tích đã bị ảnh hưởng làm cho hệ thống tường, rào, mái, nền nhà hư hỏng. Nhằm sớm triển khai trùng tu, tôn tạo các di tích, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất việc tu bổ. “Đối với các di tích có hư hỏng, xuống cấp ở mức độ nhỏ và không ảnh hưởng đến yếu tố gốc, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh phối hợp với ban quản lý các di tích và chính quyền địa phương triển khai thực hiện ngay các giải pháp để khắc phục. Đối với những di tích gặp khó khăn về kinh phí, trung tâm thực hiện hỗ trợ toàn bộ kinh phí từ nguồn thu công đức để thực hiện. Riêng những di tích có mức độ hư hỏng nhiều, nguồn kinh phí tu bổ lớn, có ảnh hưởng đến yếu tố gốc thì phải thực hiện tu bổ theo trình tự, quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Khắc Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.

 

Di tích cấp quốc gia Thành cổ Diên Khánh sẽ được trùng tu với quy mô lớn trong thời gian tới.
Di tích cấp quốc gia Thành cổ Diên Khánh sẽ được trùng tu với quy mô lớn trong thời gian tới.
 
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao lập danh sách tu bổ 45 di tích trên toàn tỉnh với tổng kinh phí hơn 150 tỷ đồng. Trong đó, có 1 di tích cấp quốc gia, còn lại là các di tích cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã cho phép triển khai tu bổ 18 di tích trong năm 2020 - 2021. Cụ thể, các di tích được trùng tu đợt này đều là di tích cấp tỉnh, gồm có: đình Đồng Nhơn, miếu Thiên Hậu Hải Nam, đền Hùng Vương, đình Xuân Lạc, đình Lư Cấm (TP. Nha Trang); di tích trụ sở UBND cách mạng lâm thời Ba Ngòi, đình Trà Long, đình Mỹ Thanh (TP. Cam Ranh); đình Thanh Minh (huyện Diên Khánh); đình Lập Định (huyện Cam Lâm); Phủ đường Ninh Hòa, đình Quang Đông, miếu Hội Đồng, chùa Pháp Hải, đình Thanh Châu, đình Phong Thạnh (thị xã Ninh Hòa); đình Tân Mỹ, đình Trung Dõng (huyện Vạn Ninh). 
 
Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, trong tháng 4, đơn vị sẽ tiến hành dự toán, thiết kế, lấy ý kiến của các địa phương đối với việc tu bổ các di tích này. Trung tâm sẽ làm việc cụ thể với ban quản lý các di tích để thống nhất phương án tu bổ. Sau đó, hoàn thiện hồ sơ để chuyển Sở Văn hóa và Thể thao thẩm định trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ cụ thể đối với từng di tích. Tuy nhiên, để thực hiện được các bước đó, trung tâm đang chờ đơn giá xây dựng mới được cơ quan chuyên môn của tỉnh ban hành.
 
Quan tâm đúng mức 
 
Ngoài 18 di tích trên, UBND tỉnh cũng đề xuất HĐND tỉnh đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đối với di tích cấp quốc gia Thành cổ Diên Khánh và 26 di tích cấp tỉnh khác. Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao đang tiến hành các thủ tục để phê duyệt dự án trùng tu, tôn tạo di tích Thành cổ Diên Khánh với tổng kinh phí ước tính hơn 100 tỷ đồng. UBND TP. Nha Trang cũng tiến hành các thủ tục cần thiết để tiến hành việc đầu tư tu bổ di tích đình Trường Đông với kinh phí 13,5 tỷ đồng. Còn 25 di tích khác như: Căn cứ cách mạng Hòn Dữ, đình Xuân Hòa, mộ Thượng thư Nguyễn Xuân Thục, đình - lăng Bình Tây, đình Bình Ba, miếu Thiên Y A Na… với kinh phí tu bổ mỗi di tích khoảng 1,2 tỷ đồng sẽ do Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh làm chủ đầu tư. 
 
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, những năm qua, công tác tu bổ di tích đã được các cấp, ngành và cộng đồng quan tâm triển khai có hiệu quả. Nhiều di tích phát huy được giá trị, góp phần trong công tác giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân và đóng góp vào việc phát triển du lịch của tỉnh. Các quy định, cơ sở pháp lý về công tác tu bổ di tích ngày càng rõ ràng, chặt chẽ. Điều đó giúp cơ quan chức năng ở địa phương thuận lợi hơn trong việc thực hiện tu bổ di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa. Những khó khăn về kinh phí để tu bổ di tích cũng đã phần nào được giải quyết với việc tỉnh cho phép sử dụng một phần nguồn thu công đức tại di tích Tháp Bà Ponagar để trùng tu, tôn tạo các di tích xuống cấp. Với mức kinh phí hỗ trợ trùng tu cho mỗi di tích tối đa 60% tổng dự toán nhưng không quá 500 triệu đồng thực sự là nguồn động lực rất lớn để ban quản lý, chính quyền các địa phương có di tích quyết tâm thực hiện việc sửa chữa, tôn tạo. Đặc biệt, có những di tích được xem xét hỗ trợ 100% kinh phí trùng tu, sửa chữa. Với nhiều giải pháp cụ thể, công tác tu bổ di tích trên địa bàn tỉnh đã thực sự được quan tâm đúng mức. Từ đó góp phần thiết thực vào việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cho hôm nay và mai sau. 
 
GIANG ĐÌNH