11:03, 13/03/2020

Vần vè đố và học chữ Nho trong làng quê miền Trung xưa

"Vần vè đố và học chữ Nho trong làng quê miền Trung xưa" (Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2019) của nhà nghiên cứu Võ Triều Dương là cuốn sách khá lý thú với nhiều tư liệu quý, phản ánh nhiều vấn đề xoay quanh việc học chữ Nho của cha ông ta ở miền Trung qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau.

“Vần vè đố và học chữ Nho trong làng quê miền Trung xưa” (Nhà xuất bản Đà Nẵng, năm 2019) của nhà nghiên cứu Võ Triều Dương là cuốn sách khá lý thú với nhiều tư liệu quý, phản ánh nhiều vấn đề xoay quanh việc học chữ Nho của cha ông ta ở miền Trung qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau.
 
 
Với hơn 400 trang sách, công trình khảo cứu được chia làm 5 chương, trong đó tác giả đã giới thiệu khá đầy đủ quá trình, mục đích của việc học chữ Nho của người xưa cũng như cách học chữ Nho qua những câu thơ, câu vè, câu đố. Nếu ở chương 1, bên cạnh việc cung cấp cho người đọc về những lễ nghi của học trò đến với thầy để học chữ Nho, những nhu cầu về sự ra đời của vè, thơ, câu đố đối với việc học… thì ở các chương còn lại tác giả tập trung giới thiệu những thể loại vè, thơ, câu đố gắn liền với nội dung của các loại hình này. Cụ thể: Chương 2 nói về vè, thơ viết theo thể lục bát; chương 3 nói về vè, thơ ở dạng xướng ứng và cải biên; chương 4 nói về vè, thơ, đố chữ mang tính tổng hợp; chương 5 nói về thuật chơi chữ, đố chữ qua thơ tứ cú, bát cú.
 
 
Nét đặc trưng ở công trình nghiên cứu này là tác giả đã dày công sưu tầm và giới thiệu vô số những câu hay bài vè, bài thơ liên quan đến từng mục nội dung mà mình đề cập, qua đó giảng giải, phân tích. Trong số ấy, có những câu, những bài làm theo cách chiết tự để phổ biến cho việc học mang tính bình dân, nhưng cũng có nhiều bài ra đời phục vụ cho việc chơi chữ hay thú mua vui tao nhã của những người học rộng, hiểu nhiều. Đặc biệt, nhiều câu chuyện tiếu lâm, truyện cười, những nội dung đọc tục nhưng giảng thanh hay những điều cấm kỵ trong quá trình học chữ Nho đã được tác giả sưu tầm đưa vào, tạo cho công trình nghiên cứu thêm phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, cách phát âm, dùng từ ngữ tại các địa phương khác nhau trong khu vực miền Trung qua những câu nói, câu đố có vần vè hay những bài thơ liên quan đến việc học chữ Nho cũng được đưa ra so sánh, chú giải.

 

 
 
Vốn là người được học chữ Nho từ bé ở một làng quê thuộc địa bàn Ninh Hòa, khi lớn lên lại được công tác tại nhiều tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa, qua đó được tiếp xúc với khá nhiều thầy dạy chữ Nho nên Võ Triều Dương tỏ ra khá am hiểu về lĩnh vực này. Riêng việc sưu tầm tư liệu để biên soạn công trình “Vần vè đố và học chữ Nho trong làng quê miền Trung xưa” tác giả đã ấp ủ và dành thời gian suốt mấy chục năm để sưu tầm tư liệu và biên soạn. Cuốn sách chứa đựng khá nhiều nội dung gắn liền với đời sống sinh hoạt của người xưa, với lớp lớp những vỉa quặng của văn hóa phi vật thể.
 
 
Là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Khánh Hòa và là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Võ Triều Dương đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian ở Khánh Hòa nói riêng, miền Trung nói chung, trong đó có nhiều công trình được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng giải thưởng. Ở tuổi 76, nhưng sự ra đời của “Vần vè đố và học chữ Nho trong làng quê miền Trung xưa” đã nói lên niềm đam mê của ông với văn hóa dân gian. Đây cũng là tấm lòng của tác giả như ông đã viết trong phần mở đầu cuốn sách: “Chúng tôi sưu tầm dù chưa đầy đủ số lượng di sản văn hóa phi vật thể này, nhưng với chừng ấy cũng có cơ sở để phát họa bối cảnh học hành bằng vần vè ngày xưa ở chốn làng quê tại khắp các tỉnh huyện, để các thế hệ mai sau được rõ…”.
 
 
Hoàng Nhật