Sáng 18-2, tại chùa Linh Sơn (thôn Khánh Thành, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), di tích nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin đã được khởi công trùng tu. Đây là việc làm cần thiết để gìn giữ, phát huy giá trị của một trong những di tích thuộc quần thể di tích cấp quốc gia về bác sĩ A.Yersin ở Khánh Hòa.
Sáng 18-2, tại chùa Linh Sơn (thôn Khánh Thành, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), di tích nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin đã được khởi công trùng tu. Đây là việc làm cần thiết để gìn giữ, phát huy giá trị của một trong những di tích thuộc quần thể di tích cấp quốc gia về bác sĩ A.Yersin ở Khánh Hòa.
Nơi ông Năm làm việc
Nằm bên Quốc lộ 1, chùa Linh Sơn tọa lạc trên triền núi Cô. Ngôi chùa này được hình thành trên cơ sở ngôi nhà làm việc và nghỉ ngơi của bác sĩ A.Yersin ban đầu. Năm 1990, quần thể di tích về nhà khoa học A.Yersin được xếp hạng di tích cấp quốc gia, bao gồm các điểm di tích chính: Thư viện A.Yersin (nằm trong khuôn viên Viện Pasteur Nha Trang), chùa Linh Sơn, khu mộ của A.Yersin (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm). Theo tài liệu ghi lại, năm 1896, bác sĩ A.Yersin thành lập trại chăn nuôi ngựa và trại thí nghiệm tại Suối Dầu để phục vụ cho việc sản xuất huyết thanh trên ngựa nhằm điều trị dịch hạch. Được một thời gian, khi Viện Pasteur Paris sản xuất huyết thanh hàng loạt, A.Yersin đã cho ngừng sản xuất huyết thanh ở Suối Dầu, chuyển sang nghiên cứu dịch bệnh ở gia súc. Cũng trong thời gian này, ngôi nhà ở vị trí chùa Linh Sơn hiện nay được ông xây dựng để làm nơi làm việc và nghỉ ngơi. Tại đây, ông tập trung nghiên cứu các loại cây trồng, vật nuôi trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều loại vật nuôi, cây trồng đã được ông tuyển chọn từ nhiều nơi đưa về nuôi trồng tại Suối Dầu. Từ đó, hình thành nên một cộng đồng nông nghiệp và khoa học trong vùng. Qua đó, đã phần nào toại nguyện ý tưởng của ông về nghiên cứu, thực hành nông nghiệp và chăn nuôi.
Sau khi bác sĩ A.Yersin qua đời, ngôi nhà làm việc này thuộc sự quản lý của Công ty Cao su Suối Dầu. Đến năm 1958, Giáo hội Phật giáo xin sử dụng làm nơi tiếp khách và sau đó trở thành chánh điện của chùa Linh Sơn. Đến năm 2017, khi chùa khánh thành chánh điện mới ở bên cạnh thì ngôi nhà này trở thành nơi thờ tự và lưu niệm về A.Yersin trong khuôn viên chùa. Hiện nay, trong ngôi nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin, bên cạnh bàn thờ Phật là bàn thờ A.Yersin, thể hiện tình cảm của Phật tử và người dân đối với công lao, cống hiến của A.Yersin.
Trùng tu để giữ gìn di tích tốt hơn
Di tích chùa Linh Sơn với quy mô kiến trúc không lớn nhưng vẫn tạo cho Phật tử và du khách cảm giác nhẹ nhàng, thanh tịnh. Nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin có diện tích khoảng 30m2, sau nhiều năm đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng nhiều hạng mục công trình. Các họa tiết trên nóc, mái ngói bị rêu mốc, mất màu; hệ xà gồ, cầu phong, kèo bằng gỗ bị mối mọt, cong vênh; tường xây gạch bị nứt, bong tróc; nền gạch bị hư hỏng nhiều; hệ thống cửa bị mối mọt… Trước thực trạng đó, ngày 13-11-2019, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin. Theo đó, dự án do Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh làm chủ đầu tư. Nguồn kinh phí trùng tu dự kiến khoảng 730 triệu đồng, được lấy từ nguồn thu công đức tại di tích Tháp Bà Ponagar.
Theo ông Trần Đình Dũng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, việc tu bổ công trình nhà làm việc của bác sĩ A.Yersin nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong việc giáo dục truyền thống và phục vụ hoạt động du lịch. Chính vì thế, việc trùng tu phải được thực hiện trên nguyên tắc bảo quản, tu bổ, phục hồi theo hiện trạng. Nhằm tuân thủ các quy định trong việc trùng tu, tôn tạo di tích, đơn vị chủ đầu tư dự án đã lựa chọn đơn vị thi công có đủ điều kiện pháp nhân theo quy định; trong quá trình trùng tu sẽ có sự giám sát của các thành viên hội đồng giám sát trùng tu di tích.
Theo bà Nguyễn Thị Yến - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Cát, việc trùng tu nhà làm việc bác sĩ A.Yersin rất cần thiết trong việc giữ gìn di tích tốt hơn. Điều này cũng đáp ứng nguyện vọng của Phật tử, người dân trong và ngoài xã. Sau khi di tích được trùng tu xong, địa phương sẽ có các hoạt động để góp phần phát huy giá trị di tích thông qua công tác bảo quản, tuyên truyền, quảng bá, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và khách du lịch.
GIANG ĐÌNH
.