10:11, 19/11/2019

Ở hai đầu nỗi nhớ - mối tâm giao giữa thơ và nhạc

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu lúc sinh thời có nói rằng, trong các bản nhạc phổ thơ thì bài "Ở hai đầu nỗi nhớ" (phổ thơ Trần Hoài Thu) ông thấy tâm đắc nhất! Đây là điều rất đặc biệt bởi Phan Huỳnh Điểu được mệnh danh "ông hoàng phổ thơ trữ tình của nền âm nhạc cách mạng" (chữ của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát). Đúng như vậy: Tình trong lá thiếp, Bóng cây Kơ nia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu… bài nào cũng được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Vậy mà nhạc sĩ vẫn dành cho ca khúc "Ở hai đầu nỗi nhớ" một tình cảm đặc biệt…

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu lúc sinh thời có nói rằng, trong các bản nhạc phổ thơ thì bài “Ở hai đầu nỗi nhớ” (phổ thơ Trần Hoài Thu) ông thấy tâm đắc nhất! Đây là điều rất đặc biệt bởi Phan Huỳnh Điểu được mệnh danh “ông hoàng phổ thơ trữ tình của nền âm nhạc cách mạng” (chữ của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát). Đúng như vậy: Tình trong lá thiếp, Bóng cây Kơ nia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương, Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu… bài nào cũng được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Vậy mà nhạc sĩ vẫn dành cho ca khúc “Ở hai đầu nỗi nhớ” một tình cảm đặc biệt…

 


Nghe qua Bảo Yến hay trước đó có Ái Xuân hát bài này, nhiều người thấy dâng một cảm xúc chứa chan vì giai điệu và lời ca quá dịu dàng, mượt mà, tinh tế nên có thể nghĩ tác giả thơ Trần Hoài Thu là một nữ thi sĩ rất đa cảm. Nhưng thực ra Trần Hoài Thu lại là một nhà báo tên thật là Trần Đình Chính (sinh năm 1954), công tác ở Báo Nhân dân, Trần Hoài Thu là bút danh (sau này anh đặt tên cho con gái mình) sáng tác năm 1980 khi anh đang ở chiến trường Campuchia. Theo lời tác giả, đây là cảm xúc chân thành của chàng nhà báo 26 tuổi với một cô sinh viên văn khoa TP. Hồ Chí Minh đi theo đoàn của Sở Thương nghiệp TP. Hồ Chí Minh đem hàng hóa chi viện cho bộ đội ta và đồng bào nước bạn ở mặt trận Pailin đầy gian khổ ác liệt. Tác giả, với tư cách là phóng viên chiến trường, đã sát cánh với cô sinh viên TP. Hồ Chí Minh nơi trận địa xa xôi và rồi chia tay, người về Tổ quốc, người ở lại với cánh rừng khộp đỏ lửa, với những trận mưa tối trời, với vất vả hy sinh… Trong một buổi tối mưa rơi mùa hạ, Trần Hoài Thu ngồi trong lán sở chỉ huy tiền phương ngắm nhìn mưa rơi, sao trời nhạt nhòa, bất giác vọng lên câu thơ: “Có một không gian nào. Đo chiều dài nỗi nhớ. Có khoảng mênh mông nào. Sâu thẳm hơn tình thương?”. Mãi sau đó 4 năm, sửa đi sửa lại, rồi bài thơ mới được đăng trên Báo Nhân dân năm 1984 và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tình cờ đọc thấy thích, chiêm nghiệm thêm 3 năm nữa mới phổ nhạc để thấy có những điều dù là cảm xúc nhưng vẫn cần sự ấp ủ trong lòng để chờ đợi phút giây thăng hoa.


Tác giả viết tiếp để vẽ về bức tranh thực của mình, cũng là cảm xúc thật của mình với người mình yêu thương: “Anh đang ở Pai-lin. Rừng khộp khô trong nắng. Thương em chiều mưa lạnh. Muốn gửi chút nắng hồng. Ở đầu này nỗi nhớ. Anh mơ về bên em. Ngôi sao như xuống thấp. Cho ta gần nhau hơn”. Viết đến đây, toàn bộ cấu tứ của bài thơ cũng là tấm lòng tác giả đang yêu được thỏa nguyện, dù câu chữ vẫn rất dè dặt nhưng cực kỳ tinh tế. Đoạn cuối tác giả trở lại hiện thực và bùng nổ cảm xúc dâng trào tới tột đỉnh yêu thương: “Ở đầu kia nỗi nhớ. Nằm đếm tiếng mưa rơi. Đếm mấy triệu hạt rồi. Mà chưa vơi nỗi nhớ. Ở hai đầu nỗi nhớ. Yêu và thương sâu hơn. Ở hai đầu nỗi nhớ. Nghĩa tình đằm thắm hơn”.


“Ở hai đầu nỗi nhớ” là bài thơ tình hiếm hoi và nếu nói không quá là được sáng tác sớm nhất trong cuộc chiến “tình nguyện quốc tế”, bởi mãi sau đó nhiều năm mới xuất hiện Phạm Sỹ Sáu, Lê Minh Quốc làm thơ viết về cuộc chiến này. Giai đoạn đầu chỉ có những nhà báo chiến trường như Trần Hoài Thu và may mắn chàng nhà báo trẻ  đã sáng tác được một bài thơ đặc sắc nhất của thời này. Bài thơ trở nên nổi tiếng hơn nữa khi được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc. Có điều, khi phổ, ông lại bỏ khổ thơ thứ hai. Đây có lẽ để đưa bài hát lên tầm cao với “không gian và thời gian vĩnh cửu” đó là tình yêu. Nhạc sĩ đã làm cho bài bát thuộc về mọi thời đại. Chính vì thế, nhạc của Phan Huỳnh Điểu cho đến hôm nay vẫn như mới, giàu cảm xúc trìu mến, dịu dàng…


Trần Hoài Thu sáng tác bài thơ “Ở hai đầu nỗi nhớ” có 8 phút. Khi đăng Báo Nhân Dân năm 1984, rồi được phổ nhạc năm 1987, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã đưa Trần Hoài Thu nổi tiếng cùng đội ngũ những nhà báo tài hoa làm ở báo Nhân Dân như Thép Mới, Thuận Hữu (sau này). Chính tác giả “Tre Việt Nam” Thép Mới phải khen ngợi: “Đời làm báo làm thơ có một bài như Ở hai đầu nỗi nhớ đủ để tự hào!”. Rất tiếc, nhà báo - thi sĩ Trần Hoài Thu chưa kịp làm tập thơ lúc sinh thời. Riêng với bài thơ nổi tiếng “Ở hai đầu nỗi nhớ”, ngoài được phổ thơ, thì những năm cuối đời lúc tác giả lâm bệnh nan y, một mạnh thường quân đã bỏ 300 triệu đồng mua bản quyền bài thơ để tác giả có tiền chữa bệnh. Đây là kỷ lục có một không hai về một tác phẩm thơ đương đại. Rất tiếc, tác giả ra đi khi tròn 60 tuổi nhưng bài thơ vẫn ngân vang mãi trong lòng mọi người cho đến tận hôm nay.


DƯƠNG TRANG HƯƠNG