Thời gian qua, với nhiều hành động cụ thể, thiết thực, ngành Văn hóa đã góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy vai trò của nhiều di sản văn hóa, lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, với nhiều hành động cụ thể, thiết thực, ngành Văn hóa đã góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy vai trò của nhiều di sản văn hóa, lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Sẽ tu bổ nhiều di tích
Trên địa bàn TP. Nha Trang hiện có một số di tích vừa được đưa vào danh mục tu bổ, như: đình Võ Dõng, đình Đồng Nhơn (xã Vĩnh Trung), đình Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên), đền Hùng Vương (phường Tân Lập), miếu Thiên Hậu Hải Nam, đình Lư Cấm (phường Ngọc Hiệp), đình Xuân Lạc (xã Vĩnh Ngọc). Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Trang - Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP. Nha Trang, những di tích này có nhiều hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng, nếu không được tu bổ kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến các hạng mục khác, cũng như những hiện vật trong di tích.
16 di tích khác ở TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh, Cam Lâm, Vạn Ninh cũng được Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị UBND tỉnh cho phép tu bổ. Tổng số kinh phí dự kiến để trùng tu khoảng 29,5 tỷ đồng, trong đó kinh phí sử dụng từ nguồn thu công đức tại di tích Tháp Bà Ponagar khoảng 17,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số đó có di tích cấp quốc gia Phủ đường Ninh Hòa, kinh phí dự kiến tu bổ khoảng 3 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Khắc Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, việc trùng tu 21 di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia đợt này đã được sở lấy ý kiến của các địa phương, các sở, ngành liên quan. Trên cơ sở đó, sở đã xây dựng báo cáo kinh tế kỹ thuật cụ thể để trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Sau khi được thông qua, sẽ triển khai công tác trùng tu để bảo vệ, giữ gìn kịp thời những di tích của người xưa để lại.
Bảo tồn, phát huy giá trị di tích
Năm 2019, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động cụ thể nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa, lễ hội trên địa bàn tỉnh. Đơn vị đã xây dựng 3 hồ sơ công nhận di tích cấp tỉnh; xây dựng và sửa chữa 8 bia di tích; phối hợp với các địa phương tổ chức 8 hội thi tuyên truyền di sản văn hóa cấp huyện; tổ chức hội thi tuyên truyền di sản văn hóa cấp tỉnh… Tại di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng đã đón và phục vụ hơn 4,4 triệu lượt khách tham quan, tổng doanh thu ước hơn 97 tỷ đồng. Cùng với đó, đơn vị cũng duy trì đoàn nghệ thuật dân tộc Chăm biểu diễn thường xuyên ở di tích Tháp Bà Ponagar, đội nhạc cụ dân tộc biểu diễn ở danh thắng Hòn Chồng; thực hiện việc xây dựng các tiểu cảnh, tôn tạo cảnh quan, đảm bảo an ninh trật tự ở hai địa chỉ du lịch trên. Lễ hội Tháp Bà Ponagar 2019 đã được tổ chức thành công với việc đón tiếp hơn 100 đoàn hành hương và 100.000 lượt người về dự lễ, trong đó có khoảng 5.000 người Chăm.
Bên cạnh đó, trung tâm phối hợp với Ban quản lý các di tích: Am Chúa, đền Hùng Vương, đền thờ Trần Hưng Đạo tổ chức tốt các lễ hội theo đúng quy định Nhà nước và phong tục truyền thống của nhân dân. Hưởng ứng Festival Biển 2019, trung tâm đã trưng bày các tác phẩm ảnh nghệ thuật về di tích, danh thắng của Khánh Hòa; trình diễn làm gốm và dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Chăm. Nhằm nâng cao kiến thức và các quy định liên quan đến việc bảo tồn, phát huy các di tích, di sản văn hóa, đơn vị cũng đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin các địa phương tổ chức 11 lớp tuyên truyền về di sản văn hóa.
Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Chính vì thế, trung tâm đã có nhiều giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện tốt công tác chuyên môn được giao. Từ đó góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, tôn tạo, phát huy vai trò của các di tích vào cuộc sống. Tuy nhiên, công tác này vẫn có những khó khăn liên quan đến thủ tục hướng dẫn công tác tu bổ còn phức tạp; số lượng các đơn vị có chức năng tư vấn, thiết kế về bảo tồn di tích còn ít, dẫn tới việc một số di tích bị chậm tiến độ tu bổ.
GIANG ĐÌNH