Trong nhiều tài liệu lịch sử, danh tướng Trần Văn Năng (1763 - 1834) được xác định là một người con của vùng đất Khánh Hòa. Tuy nhiên, việc tìm hiểu các thông tin về ông vẫn còn nhiều điều cần làm rõ, để thấy được những đóng góp của ông cho đất nước.
Trong nhiều tài liệu lịch sử, danh tướng Trần Văn Năng (1763 - 1834) được xác định là một người con của vùng đất Khánh Hòa. Tuy nhiên, việc tìm hiểu các thông tin về ông vẫn còn nhiều điều cần làm rõ, để thấy được những đóng góp của ông cho đất nước.
Danh tướng đầu triều Nguyễn
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban, tướng quân Trần Văn Năng là nhân vật được ghi tên trong sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn. Trong đó, xác định ông sinh quán ở huyện Tân Định (thị xã Ninh Hòa ngày nay). Trong cuốn Xứ Trầm Hương, nhà văn Quách Tấn cũng ghi ông là người huyện Tân Định. Nhưng trong một số tài liệu khác lại cho rằng ông là người làng Vĩnh Điềm, huyện Vĩnh Xương (nay là xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang). Có một điểm nhất quán trong các tài liệu đó là việc xác định năm sinh của danh tướng Trần Văn Năng và đều thể hiện việc ông sinh quán tại Khánh Hòa sau lưu ngụ tại Bình Dương, Gia Định.
Còn trong kho tư liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 (Hà Nội), có 2 châu bản triều Nguyễn thời vua Minh Mạng với nội dung liên quan trực tiếp đến danh tướng Trần Văn Năng. Châu bản thứ nhất là tờ tấu của ông gửi về kinh đô Huế khi ông đang làm Phó Tổng trấn thành Gia Định. Qua nội dung cho thấy trong thời điểm ấy, ông phải gánh vác nhiều trọng trách nặng nề, vừa phải huy động dân binh đắp thành, vừa phải tiến hành đào kênh Vĩnh Tế. Châu bản thứ hai là tờ tấu của tướng Nguyễn Văn Trọng giúp xác định chính xác thời điểm mất của tướng Trần Văn Năng.
Từ những dữ kiện lịch sử, tướng quân Trần Văn Năng có nhiều công lao trong việc bảo vệ bờ cõi phía nam. Cụ thể, vào năm 1833, trước tình thế Nam Kỳ đã bị quân phiến loạn làm chủ, quân Xiêm chia quân thành 5 ngả tiến đánh Đại Nam. Vua Minh Mạng đã phong cho ông làm Bình Khấu Tướng quân, thống lãnh đại quân cùng với Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân, Phạm Hữu Tâm, Tống Phước Lương vào nam dẹp giặc. Đại quân của ông đã lấy lại các tỉnh, thành bị giặc chiếm và tiến thẳng vào thành Nam Vang (thủ đô Phnôm-Pênh ngày nay). Do tuổi già lại phải nhiều năm chinh chiến nên sau khi chiếm được Nam Vang ít lâu, tướng Trần Văn Năng lâm trọng bệnh, trở về nước chữa bệnh. Khi thuyền về đến Bến Siêu, Cù Lao Tây (nay thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) thì ông mất.
Tướng quân Trần Văn Năng là một trong số những trọng thần đầu triều Nguyễn. Ông cũng từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong quân đội. Ông được liệt vào thờ trong đền Hiền Lương (Huế). Còn ở Đồng Tháp - nơi ông trút hơi thở cuối cùng, người dân đã lập đền thờ và hàng năm từ ngày 14 đến 17-2 âm lịch lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của ông.
Cần có sự tìm hiểu sâu hơn
Như đã đề cập ở trên, những tài liệu sử sách viết về danh tướng Trần Văn Năng tương đối nhiều. Tuy nhiên, đến nay, việc khai thác các tài liệu đó vẫn chưa được thực hiện đúng mức. Nhiều thông tin quan trọng liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp, hậu duệ, quê quán… của ông vẫn chưa được nghiên cứu, tiếp cận, sử dụng; việc đánh giá về công trạng, cũng như những sự thật, giai thoại về ông vẫn chưa được sáng tỏ hoàn toàn. Chính vì thế, ngay trên vùng đất Khánh Hòa vẫn chưa có nhiều người biết về nhân vật lịch sử này. Để từ đó có thể có những việc làm cụ thể nhằm tưởng niệm, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của tướng quân Trần Văn Năng đến hậu thế. “Danh tướng Trần Văn Năng là một nhân vật lịch sử có nhiều dữ liệu thú vị để chúng ta có thể viết truyện, dựng kịch. Nhưng rất tiếc là những thông tin về ông đến nay vẫn còn mang tính chất sơ lược. Các nhà nghiên cứu, các cơ quan chuyên môn nên có sự vào cuộc để tìm hiểu làm rõ hơn những tình tiết về cuộc đời sự nghiệp của ông. Để từ đó có cơ sở giáo dục thế hệ trẻ, cũng như cung cấp chất liệu cho văn nghệ sĩ sáng tác về ông”, ông Nguyễn Sỹ Chức - Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết.
Với những thông tin ban đầu như trên, nên chăng ngành Văn hóa tỉnh cần có sự vào cuộc để tìm hiểu, nghiên cứu về danh tướng Trần Văn Năng. Qua đó, có thể xác định nguyên quán của ông cụ thể ở huyện Tân Định hay huyện Vĩnh Xương? Dòng tộc, hậu duệ của ông trước và nay như thế nào? Công trạng của ông đối với đất nước, với quê hương Khánh Hòa ra sao?… Nếu làm rõ được những điều đó, có thể tiến tới xây dựng một nơi để người dân có thể tưởng niệm về ông.
Giang Đình