08:10, 08/10/2019

Một đời với nghệ thuật truyền thống

Dành cả một đời cho sân khấu tuồng và dân ca kịch bài chòi, hai nghệ sĩ Lưu Kim Hùng và Thanh Bình đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật truyền thống. Giờ đây, niềm mong mỏi trong mỗi nghệ sĩ là truyền được ngọn lửa nghề đến lớp trẻ.
 

Dành cả một đời cho sân khấu tuồng và dân ca kịch bài chòi, hai nghệ sĩ Lưu Kim Hùng và Thanh Bình đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật truyền thống (NTTT). Giờ đây, niềm mong mỏi trong mỗi nghệ sĩ là truyền được ngọn lửa nghề đến lớp trẻ.
 
 
 NSND Thanh Bình (áo đen ở giữa) trong một lần gặp cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
NSND Thanh Bình (áo đen ở giữa) trong một lần gặp cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
 
 
Cô đào bi một thuở
 
Đến với sân khấu kịch hát bài chòi, nhiều khán giả vẫn chưa quên giọng hát, lối diễn có hồn của cô đào bi Phùng Thị Bình (tên thường gọi Thanh Bình). Nghệ sĩ Thanh Bình thuộc lớp diễn viên đầu tiên góp phần xây dựng Đoàn Dân ca kịch Phú Khánh, nay là Đoàn Dân ca thuộc Nhà hát NTTT tỉnh. Năm 1972, bà trúng tuyển vào lớp dân ca khu 5B, được ra Hà Nội học tập hơn 3 năm trước khi vào Nam phục vụ. Từ một cô gái xứ Thanh chưa hề biết về nghệ thuật bài chòi, bà đã được giao các vai diễn có tính cách, có số phận và giữ vị trí quan trọng trong vở diễn như: Mế Sơn (Tấm phà), Thoại Khanh (Thoại Khanh - Châu Tuấn), Trần phu nhân (Tấm vóc đại hồng), bé Hạnh (Chim chèo bẻo)… “Để mau chóng được vào miền Nam phục vụ, lớp học của chúng tôi cố gắng tập luyện ngày đêm. Cả khi nghỉ ngơi, tôi vẫn suy nghĩ, tư duy về nhân vật của mình”, nghệ sĩ Thanh Bình chia sẻ. 
 
 
NSND Thanh Bình (thứ 2 từ trái qua) và  NSND Lưu Kim Hùng (thứ 3 từ trái qua) nhận hoa chúc mừng  của lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao.
NSND Thanh Bình (thứ 2 từ trái qua) và NSND Lưu Kim Hùng (thứ 3 từ trái qua) nhận hoa chúc mừng của lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao.
 
Bước vào chiến trường, bà được về Đoàn Ca kịch giải phóng khu Trung - Trung bộ (thuộc Ban Tuyên huấn khu 5). Chiến dịch mùa xuân năm 1975, nghệ sĩ Thanh Bình theo bước chân các đơn vị bộ đội đi biểu diễn phục vụ khắp 9 tỉnh miền Trung. Đất nước giải phóng, nghệ sĩ Thanh Bình theo đoàn về Đoàn Dân ca kịch Phú Khánh. Bây giờ, khi có dịp ngồi nhớ lại những tháng ngày tận hiến với nghề, bà vẫn thấy bất ngờ về những gì mình đã trải qua. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, vật chất thiếu thốn đủ bề, vậy mà ước mong của người nghệ sĩ là được đứng trên sân khấu để diễn cho khán giả xem. “Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng tình yêu nghề đã giúp tôi vượt qua để tập luyện từng câu hát, động tác của mỗi nhân vật. Cũng nhờ đó, con đường nghệ thuật của tôi đã có sự thăng hoa ngay trong gian khó”, nghệ sĩ Thanh Bình cho biết. 
 
Trong suốt hành trình nghệ thuật của mình, nghệ sĩ Thanh Bình được “đo ni đóng giày” cho những vai đào bi như: Chị Thanh (Một mạng người), Dương Vân Nga (Thái hậu Dương Vân Nga), cô Bến (Ni cô Đàm Vân), H’pơlang (Tiếng đàn thuở xa xưa), Chức Nữ (Ngưu Lang - Chức Nữ), Thoại Khanh (Thoại Khanh - Châu Tuấn), K’ngang (Mối tình qua Tết Liboong), Thanh Lâm (Đôi dòng sữa mẹ), Hạnh (Hồn vọng phu)… “Cái hay của nghệ sĩ Thanh Bình chính là lối hát rất chuẩn của sân khấu kịch hát bài chòi. Diễn xuất thường tự nhiên, chân thực, thể hiện được cái hồn của nhân vật. Bên cạnh đó, cách xử lý trên sân khấu cũng như khả năng tương tác với bạn diễn rất tốt”, ông  Lê Hồng Hải - một đồng nghiệp của nghệ sĩ Thanh Bình nhận xét. 
 
Năm 1992, ở tuổi 38, nghệ sĩ Thanh Bình được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Nghệ sĩ Thanh Bình cũng đã nhiều lần biểu diễn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước xem khi đến làm việc tại Khánh Hòa như các đồng chí: Lê Duẩn, Võ Chí Công, Phạm Văn Đồng… Trong đó, bà nhớ nhất là hai lần biểu diễn cho cố Tổng Bí thư Lê Duẩn vào các năm 1979 và 1981. 
 
Kép văn xuất sắc
 
Được xem là con nhà nòi, từ nhỏ nghệ sĩ Lưu Kim Hùng đã thấm vào tâm hồn từng câu hát, điệu bộ của nghệ thuật tuồng. Sinh ra ở vùng đất Tuy An (tỉnh Phú Yên), thời thơ ấu của ông gắn với những tháng ngày rong ruổi theo gánh hát gia đình đi phục vụ khắp các làng xã. “Thời đó, tôi còn quá nhỏ để được lên sân khấu, nhưng sau mỗi đêm diễn lại tụ tập cùng chúng bạn đóng vai Quan Công, Trương Phi, Lã Bố… Đến năm 1971, do tình hình chiến tranh ngày càng ác liệt nên gánh hát của gia đình tự giải tán. Sau ngày đất nước giải phóng, cha của ông đầu quân đi hát cho Đoàn Ý Hiệp miền Trung và đưa ông theo cùng. Được truyền nghề từ trong gia đình, nên nghệ sĩ Lưu Kim Hùng sớm thể hiện được khả năng của mình. 
 
 
NSND Lưu Kim Hùng (trái) trong vở tuồng Quỳnh Hoa hoàng hậu.
NSND Lưu Kim Hùng (trái) trong vở tuồng Quỳnh Hoa hoàng hậu.
 
 
Khi vừa 16 tuổi (năm 1977), ông đã là diễn viên Đoàn Nghệ thuật tuồng Khánh Hòa. Được các thầy Chánh Ca Chạng, Mười Thông… dạy cho cách hát, diễn xuất sao cho hay, cho đẹp; được thầy Mịch Quang dạy cho lý luận sân khấu và học hỏi trực tiếp từ các bạn diễn nên ngón nghề của ông ngày càng tiến bộ. Giọng hát mềm - nhẹ - cao, cùng vóc dáng thanh mảnh, ông được giao đóng các vai kép văn, hoặc thi thoảng vai kép văn pha lão. Ông để lại dấu ấn với khán giả qua các nhân vật như: Địch Thanh, Đào Phi Phụng, An Dương Vương, Tô Hiến Thành, Thi Bằng, Lục Vân Tiên… 
 
Ngoài 30 tuổi, nghệ sĩ Lưu Kim Hùng đã khẳng định được tên tuổi của mình trong làng tuồng Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung. Hàng loạt giải thưởng, huy chương ở các kỳ hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc thời bấy giờ là minh chứng cho tài năng của người kép văn này. Năm 2001, ông được phong tặng danh hiệu NSƯT. Từ đó đến nay, ông vẫn tiếp tục cống hiến cho sân khấu tuồng truyền thống. Cho dù sân khấu tuồng không còn giữ được vị thế như trước, nhưng các vai diễn của nghệ sĩ Lưu Kim Hùng vẫn được giới chuyên môn đánh giá cao. Có thể kể ra các vai như: Trịnh Phong (Xứ Trầm dậy lửa Cần Vương), Đào Tấn (Thanh gươm hát bội), Thái sư Nguyễn Kim (Sóng dậy Lê triều), Bao Công (Bao Công tra án Quách Hòe)… “Tài năng và những đóng góp, cống hiến của nghệ sĩ Lưu Kim Hùng là điều đã được mọi người thừa nhận từ lâu. Hơn 40 năm theo nghề cũng là từng đó thời gian để người nghệ sĩ thể hiện tình yêu, niềm đam mê đối với nghệ thuật tuồng. Dù không còn thường xuyên đảm nhận các vai diễn, nhưng nghệ sĩ Lưu Kim Hùng vẫn có những đóng góp thiết thực đối với hoạt động của nhà hát”, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết. 
 
Niềm mong mỏi với nghề
 
Trọn một đời cống hiến cho sân khấu tuồng và kịch hát bài chòi, cả hai nghệ sĩ Thanh Bình và Lưu Kim Hùng đều cảm thấy mình là người may mắn khi đã theo được nghiệp tổ. Đối với nghệ sĩ Thanh Bình, từ hơn 20 năm trước đã thực hiện việc kèm cặp, truyền nghề cho các diễn viên lớp sau. Sau khi về nghỉ chế độ (năm 2004), bà vẫn tham gia các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của tỉnh. Mỗi lần chuẩn bị tham gia các liên hoan, hội diễn, các diễn viên lại tìm đến bà để được chỉ dẫn những ngón nghề đặc sắc. Còn nghệ sĩ Lưu Kim Hùng, trong vai trò Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật tuồng, ông đã tham gia vào việc dựng vở, tuyển chọn, đào tạo diễn viên. Những nghệ sĩ thuộc thế hệ sau như: Cao Phước, Thúy Thoa, Thúy Thỏa, Văn Soái… đều từng được ông chỉ dẫn để ngày càng vững vàng. 
Ngày 12-8, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đối với 84 nghệ sĩ. Ở lĩnh vực sân khấu dân ca kịch, nghệ sĩ Thanh Bình là 1 trong 2 người được phong tặng; ở lĩnh vực sân khấu tuồng, nghệ sĩ Lưu Kim Hùng là 1 trong 4 người được phong tặng. 
 
Giờ đây, khi nhắc tới hoạt động sân khấu truyền thống, cả hai nghệ sĩ đều có những phút chạnh lòng. Từ trong trái tim yêu nghề, họ vẫn băn khoăn về thực trạng của sân khấu tuồng và kịch hát bài chòi. Diễn viên trẻ bây giờ có thanh, có sắc, có tình yêu nghề, nhưng lại có quá ít đất diễn, ít cơ hội để được biểu diễn cho khán giả xem như xưa. Cùng với sự ngoảnh mặt của khán giả, số lượng các vở diễn, đêm diễn cũng bị rút lại. Số lượng các đêm diễn cũng mang tính chất xuân thu nhị kỳ; còn biểu diễn phục vụ khách du lịch thì chỉ đơn thuần là những trích đoạn. “Người nghệ sĩ luôn khát khao được thể hiện mình trong những vở diễn đầy đặn và trước đông đảo khán giả. Nhưng lâu nay, điều đó chỉ dừng lại ở những đêm diễn báo cáo”, nghệ sĩ Lưu Kim Hùng chia sẻ. Với tâm sự ấy, nên câu chuyện bao giờ cho đến ngày xưa vẫn đang là mong ước của hai người nghệ sĩ tài danh này. 
 
 NHÂN TÂM