5 năm qua, huyện Khánh Sơn đã có nhiều hoạt động cụ thể nhằm giữ gìn các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai. Trong định hướng của huyện, các di sản văn hóa là sản phẩm độc đáo để góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.
5 năm qua, huyện Khánh Sơn đã có nhiều hoạt động cụ thể nhằm giữ gìn các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai. Trong định hướng của huyện, các di sản văn hóa là sản phẩm độc đáo để góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.
Lưu giữ văn hóa bản địa
Với 75% dân số là người Raglai, huyện Khánh Sơn chứa đựng nhiều nét văn hóa truyền thống của cư dân bản địa. Những năm qua, địa phương đã nỗ lực nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai gắn với kinh tế - xã hội của huyện. Tiêu biểu trong số đó là phong tục lễ bỏ mả đã được bảo tồn, phục dựng trong cộng đồng dân cư. Các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như: Trình diễn đàn đá, hát kể sử thi, biểu diễn nhạc cụ dân tộc… bước đầu đã gây dựng được phong trào trong các thôn làng. Đề tài khoa học về một số biện pháp khôi phục, bảo tồn sử thi của người Raglai trên địa bàn đã được hoàn thành và bắt đầu áp dụng vào thực tiễn. Huyện cũng phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao lập hồ sơ khoa học lễ ăn mừng đầu lúa mới để đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Tại nhà truyền thống của huyện hiện đang trưng bày hơn 100 hiện vật mang giá trị văn hóa, lịch sử của đồng bào Raglai bao gồm: Đàn đá, đàn chapi, mã la, dụng cụ lao động - sinh hoạt… Hàng năm, huyện tổ chức các cuộc thi tìm hiểu di sản văn hóa cho học sinh; liên hoan các làng văn hóa tiêu biểu… “Những hoạt động đó vừa làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, vừa góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tham gia giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của địa phương”, ông Nguyễn Phước Khiêm - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết.
Song song với việc thực hiện các hoạt động mang tính chiều sâu, huyện cũng chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trực quan dưới nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức các chương trình văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian; khuyến khích và tạo điều kiện cho các nghệ nhân hát các làn điệu dân ca và biểu diễn nhạc cụ truyền thống; chú trọng bảo tồn, phát triển nghề làm nỏ, đan gùi và rổ rá, làm nhạc cụ dân tộc… của người Raglai.
Hướng tới phục vụ du lịch
Theo ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Raglai trên địa bàn huyện dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng do hạn chế về kinh phí, ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa trong nhân dân chưa cao nên vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, hệ thống thiết chế văn hóa ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện vẫn chưa được đồng bộ. Hầu hết các điểm sinh hoạt văn hóa, nhà cộng đồng ở các thôn, tổ dân phố chưa đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thế hệ trẻ người dân tộc Raglai những năm gần đây có xu hướng đi làm ăn xa, không còn mặn mà với việc bảo vệ, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai, Huyện ủy đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan liên quan. Trong đó, chú trọng nâng cao ý thức người dân, ý thức cộng đồng dân tộc và khuyến khích những người thực sự tâm huyết, có kiến thức về văn hóa truyền thống dân tộc tích cực tham gia; tập hợp, thu hút được lực lượng trẻ tuổi người Raglai tham gia để làm nòng cốt trong việc phát huy giá trị văn hóa phục vụ hoạt động du lịch của địa phương.
Một trong những điểm nổi bật về chiến lược phát triển văn hóa truyền thống của huyện chính là định hướng phục vụ du lịch. Những loại hình văn hóa truyền thống của cư dân bản địa sẽ từng bước trở thành sản phẩm góp phần thu hút du khách đến tìm hiểu, khám phá đất và người Khánh Sơn. Đồng bào Raglai vừa là chủ thể văn hóa vừa là những người trực tiếp giới thiệu, trình diễn, biểu diễn các giá trị văn hóa của đồng bào mình. “Xã Sơn Hiệp được xác định là nơi phát triển du lịch của huyện. Chính vì thế, bên cạnh việc tôn tạo cảnh quan, xây dựng cơ sở vật chất, xã còn quan tâm đến việc hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, trong đó có việc tổ chức đội văn nghệ, đội mã la của đồng bào Raglai”, ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết.
Có thể thấy, huyện Khánh Sơn đang có những nỗ lực để đồng bào Raglai tự hào, trân trọng những giá trị của cha ông để lại, vừa tiến hành các giải pháp bảo vệ, ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền, đồng thời từng bước gắn văn hóa với du lịch. Việc thực hiện thành công cả ba vấn đề trên sẽ mang tính chất bền vững đối với nền văn hóa truyền thống của địa phương.
Giang Đình