10:09, 17/09/2019

Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Ngọc Tâm: Tình yêu với dân ca kịch bài chòi

Hơn 20 năm gắn bó với loại hình dân ca kịch bài chòi, Nghệ sĩ Ưu tú Đỗ Ngọc Tâm đã trải qua hết những thăng trầm cùng nghề. Trong hành trình đó, ông vẫn luôn phấn đấu, cống hiến nhiều hơn cho cái nghiệp mình đã chọn.

Hơn 20 năm gắn bó với loại hình dân ca kịch bài chòi, NSƯT Đỗ Ngọc Tâm đã trải qua hết những thăng trầm cùng nghề. Trong hành trình đó, ông vẫn luôn phấn đấu, cống hiến nhiều hơn cho cái nghiệp mình đã chọn.
 

Duyên với nghề


Thời gian này, nghệ sĩ Đỗ Ngọc Tâm (Đoàn Dân ca kịch thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) đang có những niềm vui riêng với nghề. Ông vừa thực hiện xong vở dân ca kịch bài chòi Điều không thể mất trong vai trò đạo diễn. Cuối tháng 8, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Đó là sự ghi nhận cho những nỗ lực, cống hiến của ông với nghề.

 

NSƯT Đỗ Ngọc Tâm (giữa) trong một vở diễn của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh.

NSƯT Đỗ Ngọc Tâm (giữa) trong một vở diễn của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh.


Vào những năm đầu thập niên 90, chàng trai quê gốc xứ Thanh theo gia đình vào lập nghiệp ở vùng miền núi Khánh Vĩnh. Không phải là con nhà nòi, nhưng cái duyên nghệ thuật đến với ông khá sớm. Trong một lần Khoa Sân khấu truyền thống (Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nha Trang) tuyển sinh, ông đã lọt vào mắt xanh các thầy cô bằng giọng hát ngọt ngào thiên phú của mình. Được sự ủng hộ của gia đình, ông đã nhập học khóa 2 (1992 - 1995) lớp diễn viên dân ca kịch. Khi ra trường, ông được tuyển thẳng về Đoàn Dân ca kịch (nay thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh).


Trong vai trò của một diễn viên, công chúng biết đến nghệ sĩ Đỗ Ngọc Tâm với các vai diễn như: Châu Tuấn (vở Thoại Khanh - Châu Tuấn), Trần Bình (vở Tình đời mong manh), Trần Long (vở Hoa hồng đỏ), Trần Phong (vở Chuyện lạ giữa đời thường), Thái (vở Người cha), đại úy Quang (vở Cơn lốc cuộc đời), Vinh (trích đoạn Hồn vọng phu)… Qua mỗi vai diễn đã đánh dấu sự tiến bộ của người nghệ sĩ trong hành trình rèn luyện kỹ năng, cảm xúc và độ chín với nghề. Đó như những cột mốc do ông tự đặt ra và phấn đấu vượt qua để lưu lại chút gì trong lòng khán giả. Để mỗi lần khán giả nhắc tới một vai diễn, vở diễn kịch hát bài chòi là nhớ tới tên tuổi của người nghệ sĩ đã nhập vai. “Từ khi bước chân vào nghề, không chỉ riêng tôi mà nhiều nghệ sĩ khác cũng phải đối diện với rất nhiều khó khăn cả trong cuộc sống lẫn công việc. Nhưng bản thân tôi luôn nghĩ rằng mình cần có sự chuẩn bị tốt nhất để có thể đón nhận những cơ hội dù nhỏ nhất. Và tình yêu nghề cùng tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc chính là chìa khóa để tôi vượt qua những khó khăn”, ông chia sẻ.


Có thể thấy, từ vai Vinh trong Hồn vọng phu được trao giải nhì tại Hội thi tài năng trẻ ngành sân khấu truyền thống toàn quốc năm 2003, đến vai Trần Phong trong Chuyện lạ giữa đời thường đã cho thấy sự phát triển về kỹ năng biểu diễn của nghệ sĩ Đỗ Ngọc Tâm. Ông đã thể hiện được khả năng diễn xuất cũng như cách xử lý tâm lý nhân vật. Huy chương vàng cho vai diễn Châu Tuấn (vở Thoại Khanh - Châu Tuấn) tại Liên hoan sân khấu dân ca kịch bài chòi chuyên nghiệp toàn quốc năm 2011 là sự tưởng thưởng xứng đáng cho sự sáng tạo của ông.  

 
Thử sức với vai trò đạo diễn


Từng có thời gian được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn Dân ca kịch, nghệ sĩ Đỗ Ngọc Tâm có điều kiện để truyền nghề cho lớp diễn viên trẻ của đoàn. Do những sự cố mang tính hành chính, chức danh ấy đã không còn nhưng ông vẫn gắn bó với đoàn, với anh em nghệ sĩ, diễn viên. Từng ngày, ông vẫn hỗ trợ cho đoàn về mặt chuyên môn; chỉ dạy cho lớp diễn viên trẻ những kỹ năng biểu diễn. Mới đây, được sự tin tưởng của lãnh đạo Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh, ông đã hoàn thành vở diễn đầu tay trong vai trò đạo diễn. Những cách xử lý các mảng miếng sân khấu, âm thanh, ánh sáng, bài trí sân khấu, cách nhập vai của diễn viên… trong vở Điều không thể mất đã cho thấy năng lực của ông. Điều đó đã nhận được sự đánh giá cao của khán giả, cũng như những người trong nghề. “Đây là vở diễn có kịch bản nổi tiếng của Lưu Quang Vũ. Để vượt qua cái bóng của những đạo diễn đã từng được dàn dựng trước đó là điều rất khó. Tuy nhiên, nghệ sĩ Đỗ Ngọc Tâm đã tìm được cho mình cách thể hiện riêng. Nó vừa tái hiện được bầu không khí chiến tranh, cuộc sống những năm sau chiến tranh, vừa phù hợp với thị hiếu thưởng thức của khán giả đương đại”, nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức nhận xét.


Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, nghệ sĩ Đỗ Ngọc Tâm là người có niềm đam mê, tình yêu với sân khấu kịch hát bài chòi. Trong vài trò diễn viên, ông đã để lại nhiều dấu ấn với khán giả thông qua các vai diễn. Khi thử sức trong vai trò đạo diễn, ông cũng đã thể hiện được khả năng của mình. Điều này rất cần thiết đối với Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh trong bối cảnh hiện nay, cũng như nhiều năm sau.


Ở độ tuổi 40, con đường phía trước của NSƯT Đỗ Ngọc Tâm vẫn còn dài, để ông có thêm nhiều sự cống hiến cho sân khấu truyền thống. Khán giả yêu mến ông vẫn chờ đợi thêm những vai diễn, những vở diễn mới của ông.


Giang Đình