10 năm qua, công tác quản lý đối với lĩnh vực di sản văn hóa (DSVH) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có những thành tựu nổi bật. Hệ thống di tích, DSVH vật thể, phi vật thể được quan tâm đúng mức nên đã phần nào phát huy được giá trị vào đời sống xã hội.
10 năm qua, công tác quản lý đối với lĩnh vực di sản văn hóa (DSVH) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có những thành tựu nổi bật. Hệ thống di tích, DSVH vật thể, phi vật thể được quan tâm đúng mức nên đã phần nào phát huy được giá trị vào đời sống xã hội.
Triển khai nhiều đề án bảo tồn, phát triển văn hóa
Từ nhiều năm nay, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực DSVH luôn được ngành chức năng chú trọng bảo tồn và phát huy. Từ công tác điền dã, kiểm kê, sưu tầm đến nghiên cứu, tu bổ, phục hồi, bảo quản, xếp hạng di sản văn hóa... đều được triển khai thực hiện khá đồng bộ. Nếu năm 2009, toàn tỉnh có 87 di tích được xếp hạng, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia thì đến năm 2019 đã tăng lên 195 di tích, DSVH được xếp hạng, trong đó có 16 di tích cấp quốc gia, 3 DSVH phi vật thể cấp quốc gia và 1 DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây đều là các di sản có giá trị tiêu biểu, nổi bật của tỉnh được nghiên cứu, lựa chọn và lập hồ sơ khoa học xếp hạng theo đúng các quy định của Luật DSVH. Từng năm, các di tích đều được luân phiên kiểm kê theo định kỳ nhằm kịp thời tu bổ, bảo quản nếu bị xuống cấp.
Ngành Văn hóa đã và đang triển khai: Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; kế hoạch trang bị mã la phục vụ sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai với 85 thôn, vốn đầu tư gần 1,7 tỷ đồng. Ngành từng bước triển khai dự án trùng tu, tôn tạo di tích quốc gia Thành cổ Diên Khánh với vốn đầu tư 75,7 tỷ đồng; dự án đường vào di tích quốc gia bác sĩ Yersin có vốn đầu tư 4,4 tỷ đồng; kế hoạch bảo tồn và phát huy DSVH phi vật thể nghệ thuật bài chòi, vốn đầu tư 832 triệu đồng; dự án bảo tồn và phát huy DSVH phi vật thể lễ hội Cầu ngư với 380 triệu đồng. Ngoài ra, ngành còn triển khai kế hoạch khảo sát, nghiên cứu, biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hành nghi lễ tại các đình làng; đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền DSVH truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh với vốn đầu tư 947 triệu đồng; đề án bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay… Các dự án, kế hoạch này dù đã được triển khai hay đang trong quá trình chuẩn bị thực hiện đều mang đến những tín hiệu lạc quan cho công tác bảo tồn và gìn giữ DSVH của tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa - Thể thao đã quan tâm đầu tư nghiên cứu các công trình về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống làng xã trong việc xây dựng nông thôn mới ở Khánh Hòa; các văn bản về sưu tầm, nghiên cứu những giá trị đặc trưng về văn hóa biển đảo, văn bia chữ Hán; khảo sát, nhận diện tín ngưỡng thờ Thành Hoàng trong các di tích ở tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, các loại hình nghệ thuật truyền thống như: tuồng, hô bài chòi, nghệ thuật đường phố… được quan tâm đầu tư, biểu diễn vào các dịp lễ kỷ niệm, lễ hội, các ngày cuối tuần để phục vụ công chúng và du khách.
Sử dụng hiệu quả nguồn thu từ di tích
Số lượng khách tham quan và nguồn thu từ di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng có sự tăng trưởng từng năm. Cụ thể, năm 2010, có 722.000 lượt khách tham quan và đạt doanh thu 6,2 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2019 có hơn 2,1 triệu lượt khách tham quan, doanh thu hơn 45,3 tỷ đồng. |
Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cho biết: “Khánh Hòa là một trong những địa phương được đánh giá đã sử dụng hiệu quả nguồn thu của các di tích để bảo quản, tu bổ, đưa các giá trị của di tích quay lại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. Cụ thể, đối với di tích cấp quốc gia đã có 8 di tích được tu bổ, tôn tạo với tổng mức đầu tư hơn 47,3 tỷ đồng. Đối với di tích cấp tỉnh, giai đoạn 2013 - 2017, đã có 39 di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp, trong đó 23 di tích được hỗ trợ một phần kinh phí. Sở Văn hóa - Thể thao đã tham mưu kế hoạch tu bổ di tích giai đoạn 2018 - 2020 với tổng mức hỗ trợ từ nguồn phí tham quan là hơn 13 tỷ đồng cho 30 di tích. Ngoài ra, hỗ trợ từ nguồn thu công đức hơn 10,7 tỷ đồng cho 24 di tích. Nguồn thu từ các di tích được sử dụng để phục vụ việc bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản, làm cho di sản văn hóa được sống động, trở thành sản phẩm du lịch.
Tuy nhiên, để công tác quản lý lịch vực DSVH đạt những kết quả mang tính bền vững hơn, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng cần phải giải quyết được những hạn chế, tồn tại như: vấn đề kiêm nhiệm của đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực DSVH ở cơ sở; việc xây dựng tour, tuyến du lịch gắn với các di tích; xã hội hóa nguồn tiền để tu bổ di tích...
Giang Đình