10:09, 13/09/2019

Những khúc nhạc chiều

Chiều với kết thúc của hoàng hôn, với màu thời gian giao thoa đã được thể hiện rất nhiều trong thơ. Âm nhạc tiếp nối thơ ca và còn làm được nhiều hơn thế nữa: Vẽ ráng chiều bằng âm thanh.

Chiều với kết thúc của hoàng hôn, với màu thời gian giao thoa đã được thể hiện rất nhiều trong thơ. Âm nhạc tiếp nối thơ ca và còn làm được nhiều hơn thế nữa: Vẽ ráng chiều bằng âm thanh.

 

Gần 40 năm qua, bài hát nổi tiếng “Ngôi sao ban chiều” vẫn được bao thế hệ người ngân nga hát. Tác giả của bản tình ca dịu dàng này là một chàng trai người Hải Phòng - Đinh Tiến Hậu. Theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, năm 1962, Đinh Tiến Hậu đã đem bản nhạc “Ngôi sao ban chiều” nộp vào Trường Âm nhạc Việt Nam và được chấm đỗ ngay. Tuy nhiên, giữa thời đại của hành khúc, tráng ca, bản nhạc lãng mạn này bị để ra một bên cùng tác giả của nó. Sau đó, bản nhạc phải trở thành một bài dân ca Nga thì mới ổn: Màn chiều dần buông xuống/gió ngàn vi vu/lấp ló đầu hiên/ngôi sao ban chiều. Gợi lòng ta xao xuyến/nhớ người yêu/nơi phương trời xa. Em thân yêu nơi đâu/có nhớ tới chăng/đôi ta năm xưa/chung lời hẹn ước… Có lẽ trong dòng nhạc cách mạng thì đây là ca khúc đầu tiên đậm màu lãng mạn tình yêu lứa đôi với lời ca và giai điệu vô cùng dịu dàng như hơi thở, như ánh hoàng hôn, như làn gió chiều trên mặt hồ mùa thu.

 

 

Đặng Hữu Phúc - nhạc sĩ có trái tim đa cảm, lãng mạn nổi tiếng của giới âm nhạc có hẳn một tuyển tập ca khúc theo phong cách romance có tên “Khúc hát ru”, trong đó có bản nhạc “Trăng chiều”: “Nắng chưa kịp tàn. Nắng buông dịu dàng, từng tia nắng mong manh. Ánh sao mặt hồ. Phía Đông nhạt nhòa, lời ai thoáng xa xôi”… Đây là món quà của chàng nhạc sĩ trẻ Đặng Hữu Phúc tặng người con gái mà mình yêu: ca sĩ Ái Vân. Bản nhạc thánh thót trong tiếng dương cầm như ánh trăng rơi trên mặt hồ thực sự là bức tranh bằng âm thanh tuyệt mỹ. “Trăng chiều” qua giọng ca của Ái Vân, Minh Thúy, Mỹ Linh thực sự trở thành một bài hát cứ ngân vang mãi trong ánh hoàng hôn hay đêm đông đầy thi cảm của con người.


Nhiều bạn cùng thời với nhạc sĩ Vũ Thanh nhận xét: “Vũ Thanh có tâm hồn đầy ưu tư pha chút buồn như mặt hồ Tây lúc ráng chiều!”. Quả đúng như thế, sau khi hoàn thành sứ mệnh của người nhạc sĩ thời tráng ca với “Bài ca Hà Nội”, “Lời anh vọng mãi nghìn năm”, “Vũng Tàu biển hát”, “Em đi trong tươi xanh”… thì trái tim đa cảm của nhạc sĩ trở lại với niềm xúc cảm của mình: “Rừng chiều”, “Thả chiều vào tranh” (phổ thơ Nguyễn Việt Bắc). Trong đó, “Thả chiều vào tranh” như bản nhạc cuối cùng của nhạc sĩ trước khi từ biệt cuộc sống. Bài hát tỏa một sự lãng mạn đầy nỗi nhớ của người nghệ sĩ về miền Tây Bắc xa xôi mà nay đã thành ký ức. Còn bản “Rừng chiều” được sáng tác trước đó thực sự làm người nghe thấy ngỡ ngàng vì sự lãng mạn của giai điệu, bởi dù viết theo chủ đề lâm nghiệp nhưng thoát hẳn lối minh họa đơn giản, mà chính là tâm hồn rung động đầy xao xuyến của con người trước thiên nhiên thanh bình của đất nước: Rừng chiều nghe lao xao tiếng lá non gọi gió. Tôi đứng giữa ngàn xanh mà say trong hương rừng... Bài hát này cho đến hôm nay vẫn âm vang như tiếng gió ngàn, nhiều thế hệ xưa khi nghe đều cứ ngỡ đó là cánh rừng yêu thương của mình bằng âm nhạc.


Cũng chủ đề chiều, chúng ta còn  thấy “Lãng đãng chiều đông Hà Nội” (Phú Quang), “Biển hát chiều nay” (Hồng Đăng), “Chiều trên bến cảng” (Nguyễn Đức Toàn), “Chiều hè trên bãi biển” (Hoàng Phương), “Chiều xuân” (Ngọc Châu )… Màu chiều thật êm dịu, pha chút buồn như sự lưu luyến của những tia nắng cuối cùng trên bầu trời để thành ánh hoàng hôn huyền ảo và người nhạc sĩ đã làm được để dâng tặng cho người nghe những nhạc phẩm thật đặc sắc.


Dương Trang Hương