Những ngày này, xem lại những thước phim tư liệu quý về lễ mít tinh ngày Độc lập 2-9-1945, hay ngày quốc dân đón Chính phủ kháng chiến ở Quảng trường Ba Đình, chúng ta cảm nhận được khí thế tràn đầy niềm tự hào của cả dân tộc trong thời khắc lịch sử ấy.
Những ngày này, xem lại những thước phim tư liệu quý về lễ mít tinh ngày Độc lập 2-9-1945, hay ngày quốc dân đón Chính phủ kháng chiến ở Quảng trường Ba Đình, chúng ta cảm nhận được khí thế tràn đầy niềm tự hào của cả dân tộc trong thời khắc lịch sử ấy.
Từ Ngày Độc lập 2-9-1945…
Những thước phim đen trắng ghi lại cảnh nhân dân Thủ đô Hà Nội đi mít tinh, diễu hành hay cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập lần đầu công chiếu trước nhân dân cả nước vào năm 1975 trong bộ phim tài liệu Ngày Độc lập 2-9-1945, do tổ làm phim của điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện. Cố đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã cùng các cộng sự gồm: Nguyễn Như Ái, Mai Thế Song, Lê Mạnh Thích, Đào Việt Hưng, Nguyễn Văn Ngũ xây dựng bộ phim có dung lượng 16 phút. Những hình ảnh trong phim đã được các thành viên trong tổ sưu tầm ở trong và ngoài nước. Câu chuyện phim dẫn dắt người xem bắt đầu từ những hình ảnh về cảnh người dân nô nức diễu hành trên các tuyến phố hướng về Quảng trường Ba Đình. Tiếp đó là hình ảnh ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang - nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập. Người xem còn được cung cấp thông tin về Thông cáo số 18 ngày 31-8-1945 của Bộ Tuyên truyền về việc tổ chức ngày Độc lập. Thông cáo được đăng trên trang nhất của Báo Cứu quốc, trong đó nói rõ “Chính phủ lâm thời đã ấn định ngày Chủ nhật 2-9-1945 sắp tới này là ngày Độc lập”.
Chương trình của buổi mít tinh ngày Độc lập cũng được giới thiệu. Theo diễn tiến của chương trình buổi lễ, các nhà làm phim đã đưa ra những hình ảnh sinh động để thể hiện nội dung phim. Chúng ta thấy được trong đó cả những thước phim tố cáo tội ác của thực dân Pháp, phát xít Nhật đối với nhân dân ta cũng như tinh thần đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta để giành lại quyền tự do, độc lập. Đặc biệt ấn tượng trong bộ phim này là thời khắc Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập được quay và thu âm lại một cách trọn vẹn. Với độ dài 5 phút, đây thực sự là đoạn phim vô cùng quý giá. Theo lời kể của đạo diễn Phạm Kỳ Nam với báo chí khi ông còn sống thì 5 phút phim tư liệu đó đến tay ông trong bối cảnh khá lạ kỳ, nên việc xác định tác giả của đoạn phim vẫn đang là câu chuyện cần được tìm hiểu.
Đến Ngày Lịch sử
Gần 10 năm sau Ngày Độc lập 2-9-1945, những nhà làm phim đến từ Liên bang Nga đã thực hiện bộ phim có tựa đề Ngày Lịch sử. Đây là bộ phim nhựa màu có thời lượng khoảng 25 phút với nhiều cảnh quay đẹp diễn tả không khí lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 1-1-1955. Năm 2005, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã mua bản quyền tác phẩm này và phát lần đầu trên sóng truyền hình ở Việt Nam. Trong phim, người xem được nhìn lại không khí phố phường Hà Nội rực rỡ cờ hoa, người dân Thủ đô háo hức trang hoàng cổng chào, biểu ngữ và nô nức đổ về Quảng trường Ba Đình lịch sử đón chào Chính phủ kháng chiến trở về ra mắt quần chúng nhân dân Thủ đô và quốc dân đồng bào cả nước. Bộ phim cũng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi lễ.
Ngày Lịch sử là bộ phim do Xưởng phim Tài liệu Trung ương Moscow sản xuất, với sự cộng tác của Xưởng phim Việt Nam Moscow. Trước khi được Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội mua bản quyền, bộ phim được lưu trữ tại Viện Lưu trữ phim ảnh Nhà nước Nga ở TP. Krasnorsk. Đây là tác phẩm của đạo diễn Vladimir Echourine, nhà quay phim - kỹ sư thu thanh Cotov, âm nhạc do nhạc sĩ Ivanop biên soạn theo các bản nhạc Việt Nam. Ngoài ra, trong ê kíp làm phim còn có sự tham gia của 3 nhà quay phim Việt Nam là: Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Tiến Lợi, Phan Nghiêm. Nhà văn Nguyễn Đình Thi là người viết và đọc lời bình. Ngày 18-7-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đạo diễn Vladimir Echourine, Huân chương Lao động hạng Nhì cho kỹ sư thu thanh và quay phim Cotov.
Đến nay, kho tàng những bộ phim tài liệu về ngày Độc lập của dân tộc ngày càng đầy hơn. Có thể kể một số tên phim như: Quốc kỳ Việt Nam, Tết Độc lập, Dấu ấn bản tuyên ngôn… Đây không chỉ là sự ghi dấu lịch sử mà còn góp phần để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau biết và hiểu rõ hơn về những cống hiến của biết bao thế hệ đi trước.
Giang Đình