10:07, 05/07/2019

Thư viện thời 4.0

Trong nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động để phù hợp với xu thế hiện nay, Thư viện tỉnh đang cần nhận được sự đầu tư, nâng cấp theo mô hình thư viện số hiện đại, mang đến nhiều tiện ích cho độc giả.

Trong nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động để phù hợp với xu thế hiện nay, Thư viện tỉnh đang cần nhận được sự đầu tư, nâng cấp theo mô hình thư viện số hiện đại, mang đến nhiều tiện ích cho độc giả.


Xu thế tất yếu


Thư viện điện tử trước đây và thư viện số hiện nay là những bước tiến mới, gắn liền với sự phát triển của công nghệ thông tin. Trong bối cảnh văn hóa đọc đang ngày càng giảm sút trong xã hội, nhất là độc giả trẻ thì đây là xu hướng tất yếu. Hoạt động thư viện cần sự chủ động để tìm nguồn độc giả cho mình theo hướng hiện đại, thuận tiện hơn. “Tôi thường đến Thư viện tỉnh mượn sách bởi ở đây có nhiều đầu sách hay và không dễ tìm được ở các nhà sách. Tuy nhiên, sau nhiều năm tôi thấy cách thức tra cứu, đăng ký mượn sách vẫn thủ công, độc giả muốn mượn sách vẫn phải lên trực tiếp thư viện. Giá như thư viện lập được những ứng dụng trên các thiết bị di động để việc mượn sách, tìm sách thuận lợi hơn thì rất hay”, bạn Nguyễn Ánh Tuyết (sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa) cho biết. Chị Lưu Thị Kim Nhung (đường Bạch Đằng, TP. Nha Trang) chia sẻ, thỉnh thoảng chị có đến thư viện để mượn sách cho con đọc. Nếu thư viện có được những phần mềm qua Internet để việc mượn, trả sách có thể thao tác vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu sẽ là một điểm cộng đối với độc giả.

 

Độc giả nhí đến tra cứu thông tin mượn sách ở Thư viện tỉnh. (Ảnh minh họa)

Độc giả nhí đến tra cứu thông tin mượn sách ở Thư viện tỉnh. (Ảnh minh họa)


Hiện nay, Thư viện tỉnh đang lưu giữ 367.859 bản tài liệu các loại; mỗi năm cấp hơn 2.000 thẻ và phục vụ khoảng 130.000 lượt độc giả. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh còn có 9 thư viện cấp huyện và 2 thư viện cấp xã. Năm 2008, Thư viện tỉnh được đầu tư để tin học hóa một số hoạt động của thư viện. Từ đó đến nay, đơn vị đang sử dụng phần mềm quản lý thư viện giúp việc phục vụ bạn đọc được nhanh hơn. Nhưng qua nhiều năm sử dụng, phần mềm này không được nâng cấp thường xuyên, máy chủ có dung lượng bộ nhớ thấp, hệ thống máy tính bị hư hỏng nhiều khiến việc nhập, lưu dữ liệu chậm, bạn đọc khó khăn trong việc tra cứu, tìm kiếm tài liệu. Đối với hệ thống thư viện cấp huyện, cấp xã thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vẫn chưa được thực hiện, công tác nghiệp vụ thư viện vẫn còn làm thủ công. Điều này lý giải vì sao lượng độc giả trong những năm gần đây tăng không nhiều, thậm chí có chiều hướng đi xuống. Nguồn thông tin của thư viện hầu hết đang ở dạng đóng và hình thức phục vụ vẫn còn thụ động dẫn tới những khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của độc giả.


Sự đầu tư cần thiết


Trong tình hình hiện nay, khi văn hóa đọc đang có nguy cơ suy giảm thì sự đầu tư, nâng cấp và phát triển thư viện nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, cũng như đa dạng hóa về nguồn tài liệu là yêu cầu bức thiết. Việc xây dựng thư viện tỉnh theo mô hình thư viện số hóa, tự động sẽ mang đến những lợi ích thiết thực trong công tác thông tin, thư viện. Trước hết, khả năng chia sẻ thông tin rộng khắp cả về không gian, thời gian, không hạn chế số lượng độc giả, đối tượng, khối lượng phục vụ. Phương thức khai thác thông tin nhanh chóng, thuận lợi, phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau, nhiều đối tượng khác nhau. Quá trình tìm kiếm, cung cấp thông tin được rút ngắn, đạt hiệu quả cao nhất. Chất lượng tài liệu phục vụ bạn đọc được nâng cao do việc kết hợp thông tin, hình ảnh, âm thanh vào nội dung tài liệu…


“Việc xây dựng Thư viện tỉnh theo mô hình thư viện số hóa hết sức cần thiết nhằm nâng cao năng lực quản lý, khai thác thư viện trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là bước đi để tăng cường chất lượng tra cứu, phục vụ độc giả. Bên cạnh đó, đây cũng là việc làm phù hợp với quy hoạch phát triển ngành Văn hóa tỉnh năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, ông Nguyễn Châu Hùng - Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết.


Giang Đình