10:07, 30/07/2019

Âm thầm dòng chảy văn nghệ dân gian

Không sôi động, đông đảo như những chuyên ngành văn học nghệ thuật khác, những người hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ dân gian ở Khánh Hòa cứ lặng thầm tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu về những giá trị vật thể, phi vật thể được lưu truyền trong dân gian.

Không sôi động, đông đảo như những chuyên ngành văn học nghệ thuật khác, những người hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ dân gian ở Khánh Hòa cứ lặng thầm tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu về những giá trị vật thể, phi vật thể được lưu truyền trong dân gian.


Trong căn phòng làm việc của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban tại tư gia trên đường 23-10 (xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang), chúng tôi chỉ toàn thấy sách về văn hóa, con người, vùng đất ở khắp mọi miền đất nước. Trong đó, có rất nhiều cuốn do chính ông viết ra. “Tìm hiểu về văn hóa, văn nghệ dân gian đòi hỏi người làm công tác này phải có tính kiên trì, tỉ mỉ và rất cẩn thận. Để hoàn thành một công trình có khi thời gian phải tính bằng năm. Bởi chỉ cần sơ sót dù nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, tìm hiểu của độc giả về các dữ liệu được nêu”, ông chia sẻ.

 

Nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban - người có nhiều đóng góp cho văn nghệ dân gian Khánh Hòa.

Nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban - người có nhiều đóng góp cho văn nghệ dân gian Khánh Hòa.


Có lẽ do yêu cầu khắt khe của công việc nên đến nay, chuyên ngành Văn nghệ dân gian thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chỉ vẻn vẹn 19 người, trong đó có 9 người là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Đa số hội viên là công chức, giáo viên đã và đang công tác trong các ngành văn hóa, giáo dục ở địa phương; trong số đó có nhiều người đã nghỉ hưu, tuổi cao sức yếu. Điểm chung của các hội viên là sự tâm huyết với sự nghiệp sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian của tỉnh. Có thể kể ra những gương mặt điển hình như: Ngô Văn Ban, Võ Triều Dương, Nguyễn Viết Trung, Võ Khoa Châu, Trần Kiêm Hoàng, Đỗ Công Quý, Mấu Quốc Tiến…


Chỉ tính riêng 5 năm gần đây, những người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian ở Khánh Hòa đã hoàn thành nhiều công trình có chất lượng khoa học và giá trị thực tiễn. Một số công trình đã được xuất bản thành sách hoặc đăng tải một phần trên các báo, tạp chí chuyên ngành. Những công trình được giới chuyên môn đánh giá cao như: Nhà tranh vách đất trong dân gian Khánh Hòa xưa (Võ Triều Dương), Tìm hiểu địa danh Việt Nam qua tư liệu dân gian (Ngô Văn Ban), Văn học dân gian huyện Vạn Ninh (Võ Khoa Châu), Chợ - Quán Ninh Hòa xưa và nay (Ngô Văn Ban - Võ Triều Dương), Văn hóa mẫu hệ trong sử thi Raglai ở Khánh Hòa (Trần Kiêm Hoàng), Văn hóa dân gian Ninh Hòa nơi này ngày ấy (Đỗ Công Quý), Tuyển tập văn nghệ dân gian Khánh Hòa (nhiều tác giả)… Các hội viên văn nghệ dân gian cũng đã nhiều lần được vinh danh với các giải thưởng do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh trao tặng.


Những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian Khánh Hòa từng ngày vẫn âm thầm với công việc của mình, như chia sẻ của nghệ nhân Mấu Quốc Tiến, khi mình còn thời gian và sức khỏe thì cố gắng đi để tìm hiểu, ghi lại những giá trị, bản sắc văn hóa, văn nghệ đang tản mác trong nhân dân. Theo họa sĩ Trần Hà - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, dù số lượng hội viên chuyên ngành Văn nghệ dân gian không đông, nhưng chất lượng các công trình nghiên cứu được công bố, giới thiệu đều nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn. Thời gian qua, hội đã tạo mọi điều kiện cần thiết để các hội viên văn nghệ dân gian đi thực tế, hỗ trợ kinh phí sáng tạo, in ấn, công bố các công trình văn nghệ dân gian. Do đây là chuyên ngành khá đặc thù nên thời gian tới hội sẽ cố gắng quan tâm phát hiện, bồi dưỡng để kết nạp thêm hội viên mới. Cùng với đó, hội sẽ có giải pháp đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, giới thiệu các công trình về văn hóa, văn nghệ dân gian. Trong đó, chú trọng đến những công trình mang bản sắc văn hóa địa phương.


GIANG ĐÌNH