Lần đầu tiên, phố biển Nha Trang chào đón sự hiện diện của hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ trong cả nước về trình diễn những tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Muôn màu nghệ thuật truyền thống dân tộc đã được đông đảo khán giả đón nhận.
Lần đầu tiên, phố biển Nha Trang chào đón sự hiện diện của hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ trong cả nước về trình diễn những tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Muôn màu nghệ thuật truyền thống dân tộc đã được đông đảo khán giả đón nhận.
Muôn màu nghệ thuật truyền thống
Trong hai đêm 14 và 15-6, tại khu vực sân khấu biểu diễn ở Quảng trường 2-4 (TP. Nha Trang), sự xuất hiện của những nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ nhiều vùng miền trong nước đã thu hút sự quan tâm của người dân và du khách. Trong những bộ trang phục truyền thống đặc trưng cho mỗi loại hình di sản văn hóa, các nghệ nhân, nghệ sĩ đã lần lượt gửi tới khán giả những màn trình diễn nghệ thuật độc đáo. Nghệ nhân Phạm Hải Hậu (đoàn Hà Nam) đưa khán giả vào không gian hát văn đầy mê hoặc với tiết mục Cô bé thượng ngàn. Giọng hát sắc sảo hòa trong tiếng nhạc mang tính tâm linh và phần vũ đạo đặc trưng của nghệ thuật hầu văn đã cho khán giả thấy được giá trị của loại hình tín ngưỡng dân gian trong văn hóa của người Việt. Sắc màu nhã nhạc cung đình Huế được các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế trình diễn với màn hòa tấu Phú lục địch. Tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng trống hòa quyện vào nhau đem đến bầu không khí trang nghiêm, tôn kính. Tiếp đó, tiết mục biểu diễn dân ca quan họ lời cổ Gửi bức thư sang do các liền anh, liền chị của Đoàn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Bắc Ninh biểu diễn đã làm say đắm người nghe.
Nghệ thuật ca trù được giới thiệu đến khán giả thông qua phần biểu diễn của ca nương nhí Phạm Thị Mận (đoàn Hà Nội) và kép đàn Nguyễn Văn Tuyến, trống chầu Hoàng Đức Thành đã tạo được ấn tượng mạnh. Dù mới 9 tuổi, nhưng ca nương Phạm Thị Mận sở hữu giọng hát giàu cảm xúc, cùng kỹ thuật hát khá điêu luyện. Điều này đã được chứng minh qua việc thể hiện thành công làn điệu ca trù lời cổ nổi tiếng của nhà thơ Dương Khuê là Đào Hồng đào Tuyết. Đến với miền đất Phú Thọ, qua liên khúc hát xoan Câu hát hội xoan, những câu hát đối, hát đúm giữa trai làng, gái thôn với nhau đem đến cho khán giả cảm nhận về miền đất Tổ vui tươi, sôi động. Qua màn hòa tấu Mạch nguồn vẫn chảy, các nghệ nhân đến từ TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã mang đến không khí của những đêm hội buôn làng với tiếng cồng chiêng, tiếng đàn T’rưng, đàn Klong Put, tiếng tù và… hòa quyện vào nhau tạo nên những thanh âm đại ngàn ngân nga, hùng vĩ. Trong khi đó, các nghệ sĩ của đoàn Bình Dương thông qua tiết mục đờn ca tài tử Mùa trái chín đã giới thiệu về miền đất Thủ xanh tươi, trìu mến. Chủ nhà Khánh Hòa cũng giới thiệu với bạn bè làn điệu dân ca bài chòi có nội dung ca ngợi quê hương Khánh Hòa.
Tôn vinh các di sản
Đến thời điểm này, Việt Nam có 12 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận. Đó là những tài sản vô giá của dân tộc và có sự gắn bó chặt chẽ, đồng hành với đời sống hôm nay. Thông qua những phần trình diễn của các đoàn đã giúp người dân và du khách thêm hiểu về tinh hoa của các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc. “Xem các nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ chính những cái nôi di sản trình diễn làn điệu dân ca đặc trưng đã mang đến cảm xúc thú vị. Dù không gian trình diễn có khác, nhưng các nghệ nhân, nghệ sĩ vẫn cố gắng truyền tải không khí, cái hay, cái đẹp trong mỗi lời ca điệu nhạc”, bà Nguyễn Thu Thủy (đường Yersin, TP. Nha Trang) bày tỏ. Ca nương Phạm Thị Mận cho biết, trong lần đầu biểu diễn phục vụ khán giả ở Nha Trang, cô cảm thấy rất vui vì đã nhận được tình cảm, sự đón nhận của người dân và du khách.
Theo ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nằm trong chương trình Năm Du lịch Quốc gia 2019, việc tổ chức Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại là hoạt động thiết thực để tôn vinh, bảo tồn các di sản văn hóa theo cam kết của Chính phủ với UNESCO. Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu với người dân và bạn bè quốc tế tiềm năng văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Trong những ngày tham gia liên hoan, các đoàn không chỉ biểu diễn phục vụ khán giả ở TP. Nha Trang mà còn đi lưu diễn ở Vùng 4 Hải quân, huyện Diên Khánh. Điều này càng góp phần làm lan tỏa giá trị di sản văn hóa phi vật thể đến với đông đảo các tầng lớp quân, dân ở Khánh Hòa. Sự tham gia của hơn 400 nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ 18 tỉnh, thành có di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại là minh chứng phần nào cho sức sống, giá trị tốt đẹp của các di sản trong hiện tại.
Giang Đình