Ngày 1-7 này là vừa tròn 30 năm tỉnh Phú Khánh tách ra thành Phú Yên, Khánh Hòa (1-7-1989 - 1-7-2019). Mới đó đã 30 năm, mới thấm câu nói "Thời gian như vó câu qua cửa sổ"...
Ngày 1-7 này là vừa tròn 30 năm tỉnh Phú Khánh tách ra thành Phú Yên, Khánh Hòa (1-7-1989 - 1-7-2019). Mới đó đã 30 năm, mới thấm câu nói “Thời gian như vó câu qua cửa sổ”. Chợt nhớ lại những ngày xưa ấy, khi những bài hát năm nào thời Phú Khánh được mấy anh chị hát lại lõm bõm trong những đêm giao lưu nhân ngày tái lập tỉnh…
Nhớ những năm của thập niên 80 đang thịnh hành các nhóm ca khúc chính trị. Khi ấy, nhóm ca khúc chính trị của Thị đoàn Tuy Hòa được chọn, thay mặt cho Tỉnh đoàn Phú Khánh dự liên hoan ca khúc chính trị các tỉnh, thành đoàn phía nam. Trong chương trình của nhóm có một bài “tủ”, sáng tác tự biên tự diễn hình như mang tên Phú Khánh yêu thương thì phải. Thời gian lâu quá, đến nay chỉ còn nhớ được mấy câu trong bài: “…Ai về Nhạn tháp quê tôi, nắng mưa mà đứng đó, sóng đôi với Chóp Chài. Đà Rằng ơi nhớ phù sa, đồng quê ta bốn mùa nước mát, cây lúa non vui mùa hợp tác…” và kết thúc bằng câu “Phú Khánh ơi sâu nặng nghĩa tình, ai có thương về với quê mình”. Bài hát này may ra ai từng công tác ở Thị đoàn Tuy Hòa ngày xưa bây giờ mới có thể còn biết đến…
Thời Phú Khánh, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng lừng lẫy tên tuổi. Còn nhớ dàn ca sĩ chính: Anh Đào, Ánh Tuyết, Tôn Thất Kỳ, Thanh Nam…, sau này có ca sĩ trẻ Ngọc Thúy. Đoàn Hải Đăng ngày ấy từng xuôi Nam ngược Bắc lưu diễn hàng tháng trời là điều bình thường. Khi chia tỉnh, đoàn Hải Đăng ở lại Khánh Hòa, một bộ phận về Phú Yên làm nòng cốt cho Nhà hát Sao Biển. Trong chương trình của đoàn khi đó có rất nhiều bài hát về Phú Khánh.
Bài hát nổi tiếng nhất về quê hương Phú Khánh có lẽ là bài Tiếng hò trên đồng lúa Tuy Hòa, do tốp nữ trình bày. Bài hát là sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy - Vũ Trung Uyên (Hoàng Thơ Huy tên thật là Trần Đình Lý, sinh năm 1942, quê ở huyện Tuy Phước, Bình Định, còn Vũ Trung Uyên tên thật là Võ Văn Duật, sinh năm 1937 tại xã An Định, Tuy An). Hơn 30 năm trôi qua, nhưng giai điệu bài hát nghe vẫn thương như hôm nào: “Hò ê... trong bao la đồng lúa Tuy Hòa, ai hò thiết tha, đàn cò nghiêng cánh gió đón nắng về, màn sương tan hết. Đá Bia, Chóp Chài vờn mây trôi, ánh hồng tràn ngập nơi nơi nghe ấm no xanh rợp đất trời...”. Sau ngày chia tách tỉnh, tốp nữ của Nhà hát Sao Biển đã dàn dựng lại khá công phu, giờ vào mạng vẫn dễ dàng tìm được.
Ngày ấy, nhạc sĩ Hoàng Thơ Huy còn có một sáng tác mà anh em gọi đùa là… huyện ca Đồng Xuân, vì viết về thị trấn La Hai là huyện lỵ Đồng Xuân, bài hát La Hai tháng tư. Nhạc sĩ đã phổ thơ của Xuân Tính với giai điệu gần gũi với dân ca Tây Nguyên: “Sáng tháng tư La Hai mù sương, Chiều tháng tư La Hai nồm mát, Nắng lên nương con ong làm mật, Gió yêu thương gọi đàn Kơ-tia...”. Sau này mấy anh nhậu tưng tưng hay xuyên tạc lời bài hát này trong các bữa nhậu vui, đến nỗi nhiều người không còn biết lời thật của bài hát là gì...
Nghĩ cũng lạ, ngày ấy các nhạc sĩ của Phú Khánh đều tập trung sáng tác thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, nhưng những bài hát về đất Phú Yên lại có vẻ nổi trội hơn, có sức sống hơn?
30 năm đã trôi qua, bây giờ nhạc trẻ, nhạc tình phát triển ào ào, không biết còn những ai nhớ về những giai điệu một thời. Những ngày vất vả ấy nhưng đời sống tinh thần lại trong trẻo, nhẹ nhàng, những đêm diễn của đoàn Hải Đăng luôn kín khán giả, những vùng đất quê hương cứ tự nhiên đi vào nhạc, những lao động vất vả hàng ngày vào thơ, vào nhạc thật hồn nhiên... Từ vất vả hôm nay nhưng tất cả lạc quan hướng về một ngày mai tươi sáng...
30 năm thôi, có ai còn nhớ.
Thủy Ngân