11:05, 31/05/2019

Khánh Vĩnh: Gian nan bảo tồn văn hóa truyền thống

Thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh đã có nhiều việc làm cụ thể để gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, kết quả mang lại vẫn chưa như mong đợi bởi còn gặp nhiều vấn đề khó khăn.

Thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh đã có nhiều việc làm cụ thể để gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Tuy nhiên, kết quả mang lại vẫn chưa như mong đợi bởi còn gặp nhiều vấn đề khó khăn.


Đa dạng các loại hình văn hóa


Khánh Vĩnh là địa bàn cư trú của 15 dân tộc, với tổng dân số hơn 39.800 người. Gần 74% dân số của huyện là người DTTS, trong đó dân tộc Raglai chiếm hơn 48%, T’rin chiếm 14%, còn lại là các dân tộc khác như: Ê đê, Tày, Nùng, Mường, Khơ me, Thái, H’rê… Điều đó cho thấy sự phong phú, đa dạng về các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào nơi đây. Những nghi lễ truyền thống như: lễ cưới, lễ bỏ mả, lễ ăn mừng lúa mới, lễ mừng nhà mới, lễ hội tung còn…, cùng với các loại nhạc cụ dân tộc mã la, đinh năm, đinh chót, chapi…; những làn điệu dân ca Raglai, làn điệu xú ri của dân tộc T’rin, then của dân tộc Tày, những điệu múa đặc sắc…

 

Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác bảo tồn văn hóa truyền thống ở Khánh Vĩnh vẫn còn khó khăn.

Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác bảo tồn văn hóa truyền thống ở Khánh Vĩnh vẫn còn khó khăn.


Điều đáng tiếc là những màu sắc văn hóa đó đang ngày càng mai một. Các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống của 2 dân tộc Raglai, T’rin dù đã được triển khai nhiều nhưng vẫn chưa thể hiện được tính chất đột phá, quyết liệt cả trong chủ trương lẫn hành động. Từ năm 2016 đến nay, UBND huyện Khánh Vĩnh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc quản lý, tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc. Tuy nhiên, đó đơn thuần là những văn bản kế hoạch, quyết định tổ chức những hội thi, liên hoan, giao lưu văn hóa; còn những chỉ đạo mang tính định hướng chiến lược về vấn đề này vẫn chưa thấy xuất hiện. Công tác tuyên truyền cũng rất cầm chừng với những hình thức, nội dung chung chung. Thời lượng, mật độ tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu hình ảnh, hiện vật, dụng cụ sinh hoạt truyền thống của đồng bào các dân tộc chỉ diễn ra với tần suất thấp. Thời gian gần đây, một số cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn đã đưa các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai vào phục vụ du khách, nhưng việc làm này vẫn mang tính tự phát, manh mún và quy mô còn nhỏ lẻ.


Khó khăn trong bảo tồn


Theo ông Mấu Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, những năm qua, huyện đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống dân tộc. Các hội diễn nghệ thuật quần chúng, liên hoan giọng hát hay, hội thi tuyên truyền di sản văn hóa, giao lưu các làng văn hóa… luôn có sự khuyến khích các đơn vị, cá nhân tham gia thể hiện những tiết mục mang màu sắc văn hóa truyền thống. Địa phương cũng mở nhiều lớp dạy tiếng nói, chữ viết Raglai cho hàng trăm lượt cán bộ, công chức, giáo viên. Nhiều nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng đã được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt được kết quả như đề ra. Công tác sưu tầm, nghiên cứu văn hóa truyền thống còn mang tính dàn trải, chưa chuyên sâu. Tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào phần nào bị pha tạp. Một số lễ hội mang tính cộng đồng ít được đồng bào quan tâm tổ chức. Trang phục truyền thống của đồng bào cũng chỉ xuất hiện vào những ngày lễ hội.


Trong đợt khảo sát việc bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, các đại biểu cho rằng, hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn có phần nguyên nhân đến từ đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS ở đây còn nghèo nàn. Bên cạnh đó, sự xâm nhập của nền văn hóa từ nhiều luồng đã ảnh hưởng nền văn hóa dân tộc vốn đã bị mai một. “Huyện Khánh Vĩnh vẫn còn thiếu những công trình nghiên cứu khoa học mang tính thực tiễn cho các mục tiêu giữ gìn và phát huy vốn văn hóa, văn nghệ dân gian vào đời sống xã hội. Những sáng tác, tác phẩm có giá trị về văn hóa truyền thống để tạo được sức lôi cuốn, hấp dẫn công chúng vẫn còn hạn chế”, ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh nêu ý kiến.


Thực tế cho thấy, ý thức bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của lớp thanh niên còn chưa thật sự đầy đủ, dễ dàng tiếp thu thiếu chọn lọc những yếu tố bên ngoài mà quay lưng lại với văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, một thời gian trước đây, công tác này chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ của các cấp chính quyền địa phương. Nguồn kinh phí bố trí cho công tác này đến nay vẫn còn hạn chế. “Địa phương mong muốn cấp trên có chính sách, chế độ thỏa đáng cho các nghệ nhân, những cá nhân, gia đình có công gìn giữ, bảo quản các di sản văn hóa; bố trí đúng và đủ số lượng cán bộ làm công tác này ở cấp huyện, cấp xã để có thể đảm đương hiệu quả nhiệm vụ. Bên cạnh đó, quy định cụ thể về nguồn kinh phí bố trí cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS”, ông Mấu Văn Phi đề xuất.


Giang Đình