10:01, 13/01/2019

Nhiều hoạt động bảo tồn di sản văn hóa

Trong năm 2018, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được triển khai tích cực. Nhiều dự án, nội dung công việc được thực hiện đem lại kết quả cụ thể, cũng như hướng tới sự phát triển trong nhiều năm tới.

 

Trong năm 2018, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được triển khai tích cực. Nhiều dự án, nội dung công việc được thực hiện đem lại kết quả cụ thể, cũng như hướng tới sự phát triển trong nhiều năm tới.


Triển khai nhiều hoạt động


Theo ông Nguyễn Khắc Hà - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT), ngay từ những ngày đầu năm 2018, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, kế hoạch lớn liên quan đến công tác di tích, di sản. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch xây dựng mới Bảo tàng tỉnh và các quyết định liên quan; trình HĐND tỉnh thông qua dự án Trùng tu, tôn tạo Thành cổ Diên Khánh, đang triển khai việc lập đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Diên Khánh; ban hành đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi Khánh Hòa giai đoạn 2019 - 2023… Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch, đề án được phê duyệt; công tác kiểm kê, tu bổ di tích trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả.

 

Dự án trùng tu Thành cổ Diên Khánh  nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Dự án trùng tu Thành cổ Diên Khánh nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.


Triển khai công tác chuyên môn, Phòng Quản lý Di sản văn hóa (thuộc Sở VH-TT) đã hướng dẫn các địa phương, ban quản lý các di tích thực hiện việc quản lý và tổ chức lễ hội đảm bảo thuần phong mỹ tục, an ninh, an toàn như: lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội Am Chúa, lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Phòng còn triển khai một số kế hoạch của tỉnh liên quan đến việc xây dựng đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Thành cổ Diên Khánh; xây dựng bảo tàng mới; kiểm kê di sản văn hóa truyền thống điển hình của 3 dân tộc thiểu số Raglai, Êđê, T’rin. “Trong năm, có nhiều nội dung quan trọng về công tác di tích, di sản đã được triển khai. Đó sẽ là bước tiền đề cho diện mạo của nhiều di tích, di sản về sau”, ông Nguyễn Thanh Phong - Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa cho biết.


Trong năm, ngành Văn hóa cũng đã tiến hành rà soát danh mục và hồ sơ hỗ trợ tu bổ cho 30 di tích được đưa vào danh mục cần tu bổ trong giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh với số tiền hơn 13 tỷ đồng. Ngành đã hỗ trợ các địa phương tu bổ 25 di tích xuống cấp, sửa chữa hư hỏng 14 di tích sau cơn bão số 12 năm 2017 với tổng cố tiền hơn 4,1 tỷ đồng từ nguồn thu công đức của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh; thẩm định nội dung và thiết kế 8 bia di tích, trong đó có 5 bia xây dựng mới, sửa chữa 3 bia. Ngoài ra, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh trực tiếp thực hiện việc tôn tạo Khu lưu niệm di tích tàu C235 tại xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa); xây dựng bia đá và bảng chỉ dẫn danh lam thắng cảnh Mũi Đôi - Hòn Đầu; khởi công dự án Xây dựng đền thờ danh nhân Trần Đường (huyện Vạn Ninh)… “Trong năm, chúng tôi cũng đã thực hiện việc hỗ trợ kinh phí cho các ban quản lý di tích đã được xếp hạng để thực hiện việc trùng tu, tôn tạo những hạng mục công trình nhỏ. Trung tâm đã tiến hành bàn giao số liệu, danh mục di tích cho các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận quản lý”, ông Trần Đình Dũng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cho biết.


Ông Lê Chí Hướng - Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, công tác chuẩn bị thủ tục xây dựng Bảo tàng tỉnh cũng được triển khai theo đúng kế hoạch. Hiện nay, Hội đồng tư vấn đang nghiên cứu để tham mưu Ban chỉ đạo xây dựng Bảo tàng tỉnh về nội dung và hình thức trưng bày của bảo tàng mới. Trong năm, Bảo tàng tỉnh tiếp tục thực hiện sưu tầm được hơn 100 tư liệu, hiện vật và đã tổ chức 5 cuộc triển lãm tại bảo tàng. Đơn vị cũng thực hiện việc chỉnh lý viết hồ sơ cho 1.000 hiện vật; tiến hành cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất Bảo tàng tỉnh.



Tiếp tục tăng cường quản lý

 

Toàn tỉnh hiện có 16 di tích, danh thắng cấp quốc gia, 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, 174 di tích cấp tỉnh được phân bố ở tất cả các địa phương. Bên cạnh đó, còn có 56 di tích chưa được xếp hạng, nhưng nằm trong danh mục kiểm kê di sản.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa vẫn còn những vấn đề cần được khắc phục. Cụ thể, công tác thanh tra, kiểm tra về các vấn đề liên quan đến di tích, di sản văn hóa chưa thực sự chủ động. Những hành vi vi phạm Luật Di sản văn hóa của các tổ chức, cá nhân cần được thanh tra, kiểm tra còn chậm. Ngoài ra, một số nhiệm vụ, kế hoạch, dự án được đề ra từ đầu năm vẫn còn chậm thực hiện so với yêu cầu, tiến độ đề ra.


Theo ông Nguyễn Khắc Hà, trong năm 2019, Sở VH-TT tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực di sản văn hóa. Đặc biệt, chú trọng công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; triển khai kế hoạch sửa chữa, tu bổ di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020; triển khai kế hoạch xây dựng Bảo tàng tỉnh. Một số dự án lớn cũng sẽ được thực hiện như: bồi thường giải tỏa dự án Trùng tu Thành cổ Diên Khánh để chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2; làm đường vào mộ bác sĩ A.Yersin tại huyện Cam Lâm…


Giang Đình