09:11, 13/11/2018

Nơi lưu giữ văn hóa vùng đất Ninh Hòa

Với hàng trăm hiện vật, hình ảnh có giá trị về văn hóa, lịch sử đang được lưu giữ, Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) là địa chỉ cần được phát huy trong việc giới thiệu với người dân và du khách về mảnh đất, con người Ninh Hòa.

 

Với hàng trăm hiện vật, hình ảnh có giá trị về văn hóa, lịch sử đang được lưu giữ, Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) là địa chỉ cần được phát huy trong việc giới thiệu với người dân và du khách về mảnh đất, con người Ninh Hòa.


Những hiện vật giá trị


Theo ông Nguyễn Văn Lương - nhân viên phụ trách Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa, hiện có hơn 120 hiện vật cùng rất nhiều hình ảnh đang được bảo quản, trưng bày tại đây. Các hiện vật và hình ảnh ở đây đều được tìm thấy trên địa bàn thị xã, hoặc liên quan đến lịch sử, văn hóa vùng đất, con người Ninh Hòa qua các thời kỳ. Trong số đó, có những hiện vật thuộc diện quý hiếm. Đó là chiếc trống đồng Đông Sơn; bộ cồng chiêng, ché rượu cần, trang phục truyền thống của đồng bào Ê đê; cuốc đá, khuôn đá đúc rìu đồng; bàn đá mài, chum đựng cốt của người Chăm; súng thần công...

 

Chiếc trống đồng Đông Sơn được lưu giữ ở Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa.

Chiếc trống đồng Đông Sơn được lưu giữ ở Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa.


Chiếc trống đồng Đông Sơn được người dân phát hiện vào năm 2003, tại thôn Nhĩ Sự (xã Ninh Thân), sau đó được đưa về cất giữ ở thôn Đại Cát (xã Ninh Phụng). Năm 2004, trống được bàn giao cho Bảo tàng tỉnh và năm 2007 được đưa về trưng bày tại Nhà truyền thống thị xã theo nguyện vọng của người dân. Trống còn khá nguyên vẹn với nhiều hoa văn đẹp mắt. Theo các nhà khoa học, chiếc trống đồng này có niên đại khoảng 2.500 năm. Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học, chiếc trống đồng xuất hiện ở vùng đất Ninh Hòa liên quan đến hoạt động của nghĩa quân Tây Sơn.


Ngoài ra, nơi đây còn có khẩu thần công với nét độc đáo là được thiết kế có thể quay 360 độ khi sử dụng. Nhiều giả thiết cho rằng, khẩu thần công này là của một chiếc tàu buôn Tây Ban Nha trong hải trình của mình đã bị đắm. Bên cạnh khẩu thần công là bộ cồng chiêng cổ, ché rượu cần cổ của người Ê đê được lưu giữ còn nguyên vẹn. Không chỉ có các hiện vật, Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa còn trưng bày các tấm bản đồ, những bức ảnh tư liệu về các địa danh, chân dung của các nhân vật lịch sử… Đó là chưa kể đến những hiện vật, hình ảnh đang được lưu giữ ở di tích Phủ đường Ninh Hòa nằm trong khuôn viên UBND thị xã Ninh Hòa.


Để hiểu hơn về địa phương


Ông Nguyễn Văn Lương cho biết: “Trung bình hàng năm có khoảng 500 người đến Nhà truyền thống tham quan. Trong đó chủ yếu là học sinh ở các trường học trên địa bàn thị xã. Còn khách du lịch gần như không có”.

 

Bộ chiêng cổ của dân tộc Ê đê được lưu giữ ở Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa.

Bộ chiêng cổ của dân tộc Ê đê được lưu giữ ở Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa.


Hiện nay, Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa nằm trong khuôn viên của Trung tâm Văn hóa - Thể thao nên việc tham quan của các đoàn khách có nhiều bất tiện. Công tác giới thiệu, quảng bá về Nhà truyền thống cho mọi người biết vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện chỉ có một người phụ trách để thực hiện các nhiệm vụ từ sưu tầm, trưng bày, giới thiệu, thuyết minh, trưng bày lưu động… Cùng với đó, nguồn kinh phí cấp cho những công việc này còn thấp và chủ yếu từ ngân sách. Chính vì thế, việc các công ty du lịch, khách du lịch chưa biết nhiều đến địa chỉ này cũng là điều dễ hiểu. “Công ty chúng tôi vẫn thường đưa khách đến Ninh Hòa, trong đó có những đoàn khách là học sinh, sinh viên, nhưng thực sự vẫn chưa nghe nói đến Nhà truyền thống của địa phương”, ông Lê Kim Nhựt - Giám đốc Công ty du lịch Nha Trang Trẻ cho biết.


Để phát huy được giá trị của Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa, nhất là trong bối cảnh hoạt động du lịch đang có những định hướng phát triển, thị xã cần có sự quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này. Được biết, địa phương cũng đang có hướng chuyển địa điểm Nhà truyền thống đến vị trí mới là di tích Trường Tiểu học Pháp - Việt Ninh Hòa. Nếu điều này được thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để mọi người đến tham quan. Bên cạnh đó, thị xã cũng nên thực hiện các công việc đồng bộ khác để Nhà truyền thống hoạt động hiệu quả hơn nhằm cho người dân, du khách hiểu, biết nhiều hơn về vùng đất, con người Ninh Hòa xưa và nay.


GIANG ĐÌNH