Trong giới hoạt động nghệ thuật, khi nói đến cái tên Văn Học, nhiều người thường đề cập đến tài năng và thành công của một nghệ sĩ độc diễn trong lĩnh vực múa rối dân tộc. Ít người biết rằng, những năm gần đây, ông còn tập trung nghiên cứu và xuất bản khá nhiều sách về lĩnh vực múa,....
Trong giới hoạt động nghệ thuật, khi nói đến cái tên Văn Học, nhiều người thường đề cập đến tài năng và thành công của một nghệ sĩ độc diễn trong lĩnh vực múa rối dân tộc. Ít người biết rằng, những năm gần đây, ông còn tập trung nghiên cứu và xuất bản khá nhiều sách về lĩnh vực múa, trong đó đáng chú ý có một số cuốn như: “Nghệ thuật múa rối cổ truyền đất Thăng Long”, “Nghệ thuật múa rối xứ Đoài”, “Hướng dẫn cách làm và diễn múa rối cho trẻ thơ”, “Nghệ thuật múa Việt Nam - thoáng cảm nhận”, “Múa, qua một cách nhìn”, “Nghệ thuật múa dân gian Raglai”… Đặc biệt, gần đây, cuốn “Để múa bay cao, bay xa” (Nhà xuất bản Sân Khấu, năm 2018) của ông ra đời đã được nhiều đồng nghiệp và người đọc đánh giá cao.
Cuốn sách được chia làm 3 chương có tác dụng ở hai bình diện, vừa như những tiểu luận nghiên cứu phê bình về múa và có thể dùng làm tư liệu tham khảo trong công tác đào tạo ngành múa.
Điều đáng nói là, ở cả hai bình diện trên, nghệ sĩ Văn Học có cách diễn đạt riêng của mình. Đi đôi với việc nêu lên khái niệm cũng như những yêu cầu không thể thiếu ở mỗi công đoạn nhằm hoàn thành một tác phẩm múa, bao giờ ông cũng lấy những tác phẩm tiêu biểu trong bộ môn nghệ thuật múa của Việt Nam từ trước đến nay vừa như để minh họa, vừa như để vạch ra những điểm mạnh, điểm yếu để minh họa, đánh giá. Chính vì vậy, đọc cuốn sách này của ông, người đọc không những được trang bị kiến thức cơ bản về múa, mà còn hình dung được quá trình phát triển của bộ môn này ở nước ta trên từng đề tài cụ thể như: dân gian - dân tộc, lao động sản xuất, chiến đấu, tình yêu… Sự tác động của các loại hình văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật… với quá trình hình thành một tác phẩm múa cũng được tác giả dành nhiều trang sách để phân tích một cách cụ thể. Trong đó, theo Văn Học, nhiều tác phẩm, do các biên đạo múa quá chú trọng đến sự sáng tạo của động tác mà thiếu sự vận dụng, kết hợp nhuần nhuyễn của âm nhạc. Đối với sân khấu cổ truyền dân tộc, ông cũng nêu ra những nội dung và ví dụ rất cần thiết mà các biên đạo cần học hỏi để tạo dựng cho tác phẩm múa của mình tốt hơn, đồng thời cũng phê phán lối vận dụng máy móc dẫn đến tình trạng lợi bất cập hại…
Tuy sách không dày, văn phong trình bày nhiều chỗ quá vắn tắt, ngắn gọn, thậm chí nhiều trang được trình bày thiên về cảm xúc, song “Để múa bay cao, bay xa” là một công trình nếu không tâm huyết với nghề nghiệp thì thật khó làm được. Để cuốn sách này ra đời, ông đã phải tìm tòi, sưu tầm trong nhiều năm để xem lại gần 400 tác phẩm múa lớn nhỏ, bao gồm nhiều thể loại, đề tài của nhiều tác giả biên đạo múa, thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau trên khắp vùng miền đất nước, rút ra những điều cần thiết phục vụ cho công tác tìm hiểu, nghiên cứu, biên soạn sách. Bên cạnh đó, nhiều xu hướng sáng tác mới trong lĩnh vực múa hay những nhận xét, đánh giá qua các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác về múa trong nước cũng được ông tìm hiểu, giới thiệu, tạo cho cuốn sách có thêm chiều sâu.
Hiện nay đã cập kề tuổi 80, nhưng ông vẫn trăn trở, tìm tòi để mong muốn góp phần làm cho “múa bay cao, bay xa”, đây quả là việc làm đáng trân trọng. Tuy trong lời nói đầu, Văn Học cho rằng, cuốn sách của mình “cũng chỉ là những suy nghĩ chủ quan của tác giả - một cá nhân với nhiều cảm nhận rất riêng lẻ, tất nhiên sẽ không tránh khỏi thiếu sót, khiếm khuyết”, nhưng những đề xuất, gợi mở của ông đặt ra rất cần cho những ai muốn tìm hiểu, góp phần cho sự phát triển nghề múa...
Hoàng Anh