Gần 500 trăm nghệ sĩ, diễn viên thuộc 11 đơn vị nghệ thuật Tuồng, Bài chòi, Dân ca kịch...khắp mọi miền Tổ quốc hội tụ về Quảng ngãi để tranh tài.
Gần 500 trăm nghệ sĩ, diễn viên thuộc 11 đơn vị nghệ thuật Tuồng, Bài chòi, Dân ca kịch...khắp mọi miền Tổ quốc hội tụ về Quảng ngãi để tranh tài.
Tối 20/10, Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch toàn quốc năm 2018 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi phối hợp tổ chức đã khai mạc tại thành phố Quảng Ngãi.
Đây là hoạt động nghệ thuật góp phần bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa phi vật thể truyền thống, trong đó có nghệ thuật Bài chòi vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Gần 500 trăm nghệ sĩ, diễn viên thuộc 11 đơn vị nghệ thuật Tuồng, Bài chòi, Dân ca kịch hoạt động theo mô hình công lập và xã hội hóa trong toàn quốc mang đến liên hoan 15 vở diễn mang đậm bản sắc văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định mang đến liên hoan vở diễn “Chuyện tình làng Võ”; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế với 2 vở “Chuyện tình hoa trinh nữ” và “Tuần lễ vàng”; Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP Hồ Chí Minh với “Lê Công kỳ án”; Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng tham gia 2 vở diễn “Sơn hậu” và “Rực lửa hoàng cung”.
Nhà hát tuồng Đào Tấn với vở “Chàng Lía”; Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản xứ Nghệ tham gia liên hoan 2 vở kịch hát dân ca “Nước mắt đứa con út” và dân ca truyền thống “Quyền uy và tội ác”; Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi và hát hố Quảng Ngãi với vở “Núi rừng năm ấy”...
Ông Trịnh Công Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca Bài Chòi và Hát hố Quảng Ngãi cho rằng: Liên hoan là dịp để các nghệ sĩ, diễn viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
“Sau khi Bài chòi được vinh danh, bây giờ chúng ta tiếp tục tổ chức Liên hoan Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch toàn quốc. Đây là khí thế mới, một cao trào tạo phương hướng để dân ca bài chòi phát triển theo con đường như giá trị mà UNESCO đã khẳng định”, ông Sơn nói.
Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch toàn quốc năm 2018 tổ chức nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển Văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
Liên hoan là dịp giới thiệu, khẳng định những giá trị nghệ thuật, ghi nhận những đóng góp của các loại hình nghệ thuật Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch trong sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, trong đó có Bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan cho biết, thông qua liên hoan nhằm tuyên truyền vận động nhân dân tích cực gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
“Qua các hoạt động này, các nhà quản lý trên lĩnh vực văn học nghệ thuật có nhiều giải pháp phát triển các bộ môn nghệ thuật truyền thống phục vụ nhân dân trong thời kỳ đổi mới”, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ cho hay.
Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch toàn quốc năm 2018 diễn ra từ nay đến ngày 28/10/2018. Đặc biệt, tối ngày 26/10 tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sẽ diễn ra chương trình biểu diễn giao lưu, phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo.
Theo vov.vn