Tôi sinh ra vào thời chạy giặc nên ít được nghe lời mẹ ru. Khi trưởng thành, tôi lại đi mọi miền đất nước, bởi vậy "câu đợi câu chờ" cũng chỉ nghe qua sóng điện. Lâu lắm rồi xa quê, nay tuổi đã về chiều, bỗng được sống trong một đêm đầy đặn làn điệu ví dặm từ những tiếng hát ngọt ngào của các cháu, các em là con em của quê hương Nghệ Tĩnh giữa lòng phố biển mà lòng dạt dào đến khó tả…
Tôi sinh ra vào thời chạy giặc nên ít được nghe lời mẹ ru. Khi trưởng thành, tôi lại đi mọi miền đất nước, bởi vậy “câu đợi câu chờ” cũng chỉ nghe qua sóng điện. Lâu lắm rồi xa quê, nay tuổi đã về chiều, bỗng được sống trong một đêm đầy đặn làn điệu ví dặm từ những tiếng hát ngọt ngào của các cháu, các em là con em của quê hương Nghệ Tĩnh giữa lòng phố biển mà lòng dạt dào đến khó tả…
Đêm biểu diễn ra mắt Câu lạc bộ (CLB) ví dặm Nghệ Tĩnh (ngày 12-9, tại hội trường Trung tâm Văn hóa của tỉnh) có sự góp mặt của khoảng 200 anh chị em đang sống và làm việc chủ yếu tại Nha Trang, một số ở Khánh Vĩnh, với hơn chục bài hát, múa của các cháu, các em sinh ra từ miền ví dặm đang công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh; Khoa Nghệ thuật, Trung tâm biểu diễn thuộc Trường Đại học Khánh Hòa và một số cơ quan, ban, ngành khác trên địa bàn tỉnh. Giọng hát của các cháu, các em có thể chưa mượt mà, da diết, trữ tình như các nghệ sĩ, nhưng nghe vẫn da diết, vẫn nhớ thương đến nồng nàn. “Người ơi, vì ai mà ăn cơm cũng nghẹn, uống nước cũng nghẹn; nghe lời bạn hẹn ra đứng bờ sông; bãi thì thấy bãi mà không thấy người”… (Thử lòng chung thủy); “Ngày ấy bên bờ sông Lam, con đò tiễn một lữ khách qua sông. Người ơi sao mà thương, mà sâu nặng; câu thương, câu đợi, câu chờ” (Câu đợi câu chờ)… Những câu hát vang lên sâu lắng, vừa tình tứ, dân dã đến nhường nào khiến người nghe xao xuyến, bồi hồi.
Đêm biểu diễn ra mắt của CLB vừa có những điệu hát dân gian vừa đan xen với sáng tác theo làn điệu ví dặm như: “Neo đậu bến quê” (An Thuyên), “Về bến lam chiều” (Trần Hoàn), “Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh” (Nguyễn Văn Tý)... Đặc biệt, người nghe lắng đọng khi nghe và xem băng hình nghệ sĩ Hồng Lựu với bài “Phụ tử tình thâm”. Khi lên một, lên hai tôi chưa được nghe bài hát này vì hồi đó chiến trường Bình Trị Thiên bắt đầu nổi lửa, mà quê tôi - đèo Ngang lại là hậu phương trực tiếp của chiến trường này. Bây giờ ở tuổi bảy mươi, được nghe lại, xem lại câu hát ví dặm giữa phố biển mà nghe bồi hồi.
Có mặt tại đêm diễn, ông Nguyễn Công Phức - nguyên Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Khánh Hòa, giờ đã hơn 80 tuổi, chân đã chậm, tay đã run… vẫn gửi gắm: “Ở Nha Trang - Khánh Hòa, ví dặm Nghệ Tĩnh không chỉ vang lên trên sân khấu, làn sóng điện, trong các hội trường mà đã đi vào từng nhà dân. Tôi mong các em, các cháu trong CLB luôn đoàn kết, cùng cất cao làn điệu ví dặm, đưa làn điệu này đi xa, đi mãi trên miền đất này”.
Đưa ví dặm Nghệ Tĩnh đến với mọi miền đất nước là lẽ thường tình, lớp người lớn tuổi như chúng tôi còn có mong muốn là làm sao cho sản phẩm văn hóa này thấm dần vào tâm hồn của mọi người dân ở quê hương mới. Nền văn hóa Khánh Hòa với những bản sắc riêng, với những loại hình văn hóa dân gian khá phong phú và đặc sắc như: hát tuồng, bài chòi..., giờ đây nếu làn điệu ví dặm Nghệ Tĩnh được hòa nhập cùng nền văn hóa đầy sắc màu của miền đất này thì thật tuyệt vời.