Không đơn thuần kể một câu chuyện lịch sử, vở dân ca kịch Phù vân vừa được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh dàn dựng và công diễn muốn lấy chuyện xưa để nói tới những vấn đề đạo lý có giá trị muôn đời.
Không đơn thuần kể một câu chuyện lịch sử, vở dân ca kịch Phù vân vừa được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh dàn dựng và công diễn muốn lấy chuyện xưa để nói tới những vấn đề đạo lý có giá trị muôn đời.
Cách đây hơn 10 năm, nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức đã cho ra đời kịch bản ca kịch bài chòi mang tên Phù vân. Kịch bản đã được giới chuyên môn đánh giá cao và nhận giải thưởng về kịch bản xuất sắc của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 2007. Sau đó, kịch bản được Đoàn Nghệ thuật cải lương Quảng Ninh dàn dựng và biểu diễn trong dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tại Khánh Hòa, Phù vân cũng nhận được sự quan tâm, tìm hiểu của nhiều đạo diễn, nhưng sức nặng của nó thực sự là một thách thức. Điều đó lý giải vì sao sau một thập niên, kịch bản này mới được dàn dựng cho sân khấu ca kịch bài chòi. Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Minh Tâm chia sẻ: “Tôi đã đọc kịch bản Phù vân từ cách đây 3 năm và rất muốn bắt tay dàn dựng. Nhưng đây là một kịch bản nặng cả về chủ đề tư tưởng, bối cảnh lịch sử lẫn yêu cầu dàn dựng nên sau rất nhiều suy nghĩ, đến nay tôi mới có thể dàn dựng được vở Phù vân”.
Phù vân kể về câu chuyện lịch sử diễn ra trong những năm tháng khởi nghiệp của vương triều Trần. Dưới sự toan tính của Trần Thủ Độ - Thống quốc Thái sư nhà Trần, Lý Chiêu Hoàng đã nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh để mở ra cơ nghiệp nhà Trần. Ra đời trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài, vua tôi nhà Trần phải vừa một mặt củng cố quyền lực; một mặt phải lo đối phó với âm mưu xâm lược của giặc ngoại bang. Chính trong hoàn cảnh đó đã nảy sinh hàng loạt xung đột, bi kịch gia đình đầy oan nghiệt. Nhưng trước vận nước, trước sự yên vui của muôn dân, mỗi người đã tự vượt qua bi kịch gia đình và bản thân để hướng tới hạnh phúc nhân dân... |
Mới đây, vở Phù vân đã được diễn báo cáo. Là một vở diễn lịch sử nhưng lại không quá theo sát các tình tiết. Câu chuyện lịch sử chỉ như cái cớ để nói tới một vấn đề mang tính thời đại. “Giữa tôi và đạo diễn đã tìm được tiếng nói chung khi dàn dựng. Có những đoạn, chúng tôi phải thực hiện chỉnh sửa ngay tại các buổi tập và hướng dẫn cho diễn viên luôn. Dù vẫn còn những hạt sạn, nhưng vở diễn về cơ bản đã thể hiện được mong muốn của tôi và đạo diễn”, nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức chia sẻ.
Sau đêm diễn báo cáo, cảm nhận chung của người xem thì đây là một vở diễn tròn trịa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần phải hoàn chỉnh thêm trước khi đem ra diễn phục vụ người dân. Trước hết, đây là một vở dân ca kịch bài chòi, nhưng phần hát quá ít, trong khi phần thoại lại quá nhiều. Điều này làm giảm đi tính mềm mại, hấp dẫn đối với khán giả. Trong vở có những đoạn cần có bài hát riêng để làm nổi bật ý tưởng, nhưng tuyệt nhiên không có bài hát nào. Hệ thống âm thanh, ánh sáng phục vụ cho vở diễn chưa có sự hỗ trợ nhiều, nhất là trong những cảnh cần tới hiệu ứng sân khấu. Mặt khác, khả năng diễn xuất của các diễn viên vẫn chưa tới; vẫn còn những chi tiết được dàn dựng chưa phù hợp với thực tế. “Chúng tôi sẽ tiếp tục có sự chỉnh sửa để dần hoàn thiện vở diễn. Cùng với đó, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát tập luyện để nhuần nhuyễn hơn. Đặc biệt, chúng tôi sẽ đưa thêm phần hát vào để vở diễn được hay hơn”, Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Minh Tâm cho biết.
Nhân Tâm