Những ngày này, công chúng yêu nghệ thuật tạo hình có thể đến Bảo tàng tỉnh (số 16 Trần Phú, TP. Nha Trang) xem triển lãm "Gốm Lư Cấm đương đại" của nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng để hiểu thêm vẻ đẹp, tinh hoa của một dòng gốm đã được nâng tầm nghệ thuật.
Những ngày này, công chúng yêu nghệ thuật tạo hình có thể đến Bảo tàng tỉnh (số 16 Trần Phú, TP. Nha Trang) xem triển lãm “Gốm Lư Cấm đương đại” của nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng để hiểu thêm vẻ đẹp, tinh hoa của một dòng gốm đã được nâng tầm nghệ thuật.
Trong giới mỹ thuật Khánh Hòa, tên tuổi của nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng đã có một chỗ đứng riêng và luôn nhận được sự trọng thị của người trong nghề. Sau 2 triển lãm cá nhân tại Festival Biển Nha Trang năm 2009 với chủ đề Gốm Chăm và Festival Biển năm 2011 với chủ đề Gốm Lư Cấm, đến nay ông mới quay trở lại với triển lãm của mình ở Nha Trang. Lý giải cho điều này, ông cho biết: “Trong thời gian qua, tôi phải thực hiện nhiều dự án nghệ thuật ở TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Tuy nhiên, trong tâm niệm của mình, Nha Trang là nhà nên triển lãm lần này chính là sự trở về”.
Trong triển lãm lần này, ông giới thiệu đến công chúng hơn 150 tác phẩm gốm nung thể hiện qua các đề tài văn hóa Chăm, huyền sử, dân gian, quê hương, tuổi thơ, tình yêu gia đình, chân dung. Bước vào không gian triển lãm, người xem dễ dàng bắt gặp các tác phẩm điêu khắc có nét tạo hình độc đáo và chủ đề phong phú. Ở đó, chúng ta thấy được hình ảnh sinh hoạt văn hóa của đồng bào Chăm qua các tác phẩm: Lễ hội Chăm, Cầu mưa, Làng gốm; thấy được hình tượng những nhân vật lịch sử như: Hai Bà Trưng, Đinh Bộ Lĩnh, Trần Bình Trọng; những nhân vật đi ra từ các câu chuyện dân gian như: Thằng Bờm, Thị Mầu, Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng… Đặc biệt, có những tác phẩm gây được ấn tượng mạnh với người xem như: Hạnh phúc bình dị, Tuổi thơ ở đô thị, Họ đang bay, Bạn tôi.
Nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng sinh năm 1960, tại Nha Trang. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, chủ nhiệm Câu lạc bộ Gốm mỹ thuật Sài Gòn. Đến nay, ông đã có 4 triển lãm cá nhân và có tác phẩm tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật toàn quốc, khu vực. Các tác phẩm của ông đã đạt được nhiều giải thưởng mỹ thuật cao quý của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành. Trong đó, bộ tác phẩm Tiếng gọi cộng đồng và Tây Nguyên đêm hồi sinh được lưu giữ trong bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam. |
Không chỉ có những tác phẩm mang phong cách gốm Lư Cấm thô, nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng còn giới thiệu những tác phẩm gốm men, gốm sành như một chút biến tấu để làm đa dạng không gian triển lãm. Đây cũng chính là điều lý giải cho nét đương đại trong những tác phẩm mang phong cách gốm Lư Cấm. Tất cả điều đó toát lên sự tài hoa của đôi bàn tay và ý tưởng sáng tạo của một người con nặng lòng với hồn đất. Họa sĩ Lê Vũ nhận xét: “Đoàn Xuân Hùng đã đưa gốm Lư Cấm đến gần hơn với công chúng. Thành công của Đoàn Xuân Hùng chính là việc đã thể hiện được những đường nét táo bạo, phá cách, nhưng vẫn giữ được bản sắc gốm xưa Nha Trang”.
Với ngôn ngữ, đường nét điêu khắc gần gũi, thể hiện rõ chủ đề tư tưởng của mỗi tác phẩm đã giúp cho công chúng có thể nắm bắt được ý nghĩa mà tác giả muốn chuyển tải. “Các tác phẩm được trưng bày, giới thiệu ở đây đã thể hiện được những giá trị văn hóa, lịch sử cũng như tài năng của tác giả. Đặc biệt, mỗi tác phẩm đều ẩn chứa trong đó những thông điệp riêng cả về quá khứ lẫn hiện tại”, Giáo sư sử học Lê Văn Lan chia sẻ khi tham quan triển lãm. Còn bạn Nguyễn Văn Cần - sinh viên Khoa Thiết kế đồ họa (Trường Đại học Khánh Hòa) cho biết: “Qua các tác phẩm tại triển lãm, tôi đã biết thêm về tính dân tộc trong những tác phẩm nghệ thuật. Điều này sẽ giúp ích cho tôi rất nhiều trong học tập”.
Tiếp nối những giá trị tinh hoa của dòng gốm Lư Cấm, nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng đã đưa nó lên một tầm cao mới bằng những tác phẩm nghệ thuật. Qua các tác phẩm của mình, tác giả muốn người xem phải tưởng tượng, sáng tạo trong suy nghĩ để tìm những điều thú vị cho riêng mình. Và đó chính là cách để tôn vinh những giá trị của người xưa đã để lại.
Giang Đình