Mỗi ngày 2 ca diễn, mỗi suất diễn chỉ khoảng 3 tiết mục, Đội nhạc cụ truyền thống thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã thực sự giới thiệu cho du khách đến với thắng cảnh Hòn Chồng một nét văn hóa độc đáo của dân tộc.
Mỗi ngày 2 ca diễn, mỗi suất diễn chỉ khoảng 3 tiết mục, Đội nhạc cụ truyền thống thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã thực sự giới thiệu cho du khách đến với thắng cảnh Hòn Chồng một nét văn hóa độc đáo của dân tộc.
Những năm qua, lượng du khách đến với danh thắng Hòn Chồng ngày càng tăng cao. Để đa dạng các loại hình dịch vụ, từ 8 năm nay, trong không gian Hội quán Hòn Chồng đã xuất hiện ban nhạc biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Qua đó, du khách, nhất là khách nước ngoài có dịp thưởng thức và biết thêm về cái hay, cái đẹp, cái lạ của những nhạc cụ Việt. “Tuy thời gian để xem các tiết mục hòa tấu nhạc cụ này không nhiều nhưng thực sự đã đem đến cho tôi và các thành viên khác trong đoàn sự thích thú. Tôi rất bất ngờ khi thấy những nhạc cụ được làm bằng tre, bằng đá có thể tạo nên những âm thanh hay đến vậy”, anh Kharinov Viacheslav - du khách Nga chia sẻ.
Đến với Hội quán Hòn Chồng, du khách có dịp nhìn thấy những nhạc cụ truyền thống độc đáo như: đàn bầu, đàn tranh, đàn tam thập lục, đàn nguyệt, sáo trúc, chiêng, trống… Bên cạnh đó còn có các nhạc cụ của đồng bào Tây Nguyên gồm: đàn T’rưng, đàn đá, đàn Đinh Pá, đàn Krông Pút… Theo bạn Trần Thị Nhật Quyên - thành viên lâu năm nhất của ban nhạc, những ngày đầu thành lập ban nhạc có 2 người với nhiệm vụ biểu diễn một vài tiết mục vào khoảng thời gian nhất định để phục vụ khách. Do mới thành lập nên các tiết mục lúc đó rất ít, mỗi người cũng chỉ biết chơi một vài nhạc cụ nhất định. Về sau, nhận thấy sự quan tâm của du khách, Ban lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã tuyển chọn nhân sự, đầu tư nhạc cụ và thiết bị âm thanh, ánh sáng để hoạt động này được bài bản hơn. Đến nay, ban nhạc có 7 thành viên, được chia làm 2 ca mỗi ngày để phục vụ khách. Ngoài ra, tối thứ Tư hàng tuần, tất cả các thành viên đều biểu diễn để phục vụ người dân và du khách tại Hòn Chồng.
Hiện nay, mỗi suất diễn dù chỉ khoảng 5 phút với 3 tiết mục hòa tấu, nhưng vì ít nhạc công nên buộc mỗi nhạc công phải tự luyện tập để có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Đến thời điểm này có người biết chơi đến hơn 10 loại nhạc cụ truyền thống, người ít nhất cũng biết chơi đến 5 loại nhạc cụ. “Việc luyện tập thêm các loại nhạc cụ khác đối với những người đã biết chơi một loại nhạc cụ như chúng tôi không phải là điều quá khó. Người nào chậm thì cũng chỉ mất khoảng 3 tháng là có thể chơi thành thạo được một nhạc cụ mới. Nhưng quan trọng là niềm yêu thích và sự chăm chỉ của mỗi người”, bạn Võ Thị Mỹ Thuận - thành viên trẻ nhất của ban nhạc chia sẻ.
Sự đa tài của các thành viên trong ban nhạc đã góp phần phục vụ du khách được tốt hơn, số lượng các tiết mục biểu diễn cũng tăng lên đến con số gần 100 tiết mục. Trong số đó có nhiều tiết mục hòa tấu các bản nhạc nước ngoài để lại ấn tượng tốt với du khách.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy - Trưởng ban Quản lý Hòn Chồng (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh), một suất diễn có 3 tiết mục và phải sử dụng từ 5 đến 7 loại nhạc cụ truyền thống, luân phiên chơi hết các loại nhạc cụ có trong không gian biểu diễn. Với việc mỗi người trong ban nhạc biết chơi nhiều loại nhạc cụ đã tạo nên sự chủ động trong việc phục vụ khách.
Sự có mặt của ban nhạc dân tộc ở Hội quán Hòn Chồng thực sự đem đến nhiều ý nghĩa trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, nghệ thuật truyền thống; đồng thời góp phần quảng bá, giới thiệu được nhiều hơn âm nhạc truyền thống đến đông đảo mọi người.
Giang Đình