11:06, 12/06/2018

Cuốn sách nhỏ về một tâm hồn quê dạt dào

 Đó là cuốn "Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ rước tình về với quê hương" do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Cuốn sách xinh xắn như một bản nhạc của Hoàng Thi Thơ năm xưa nhưng chứa đựng rất nhiều giai điệu tình cảm, lời ca trìu mến của quê hương dành cho người nhạc sĩ tài hoa một thời.

 

Đó là cuốn “Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ rước tình về với quê hương” do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Cuốn sách xinh xắn như một bản nhạc của Hoàng Thi Thơ năm xưa nhưng chứa đựng rất nhiều giai điệu tình cảm, lời ca trìu mến của quê hương dành cho người nhạc sĩ tài hoa một thời.

 

Hoàng Thi Thơ sinh năm 1929 ở Bích Khê, Triệu Phong, Quảng Trị, thuộc gia tộc Hoàng Bích Khê nổi tiếng. Là người hoạt động văn hóa văn nghệ, báo chí thuở đầu kháng chiến chống Pháp cùng với Trần Hoàn, Nguyễn Hữu Ba, Lưu Quý Kỳ, Chế Lan Viên…, Hoàng Thi Thơ là một nhạc sĩ có tâm hồn Việt, đặc biệt là làng quê rất sâu sắc. Trong sự nghiệp 50 năm của mình, ông sáng tác rất nhiều ca khúc, nhạc kịch (ông là nhạc sĩ viết nhạc kịch đầu tiên ở miền Nam thập niên 60). Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết về người bạn nhạc sĩ họ Hoàng là “Chàng hoàng tử của thi ca và âm nhạc Việt”. Giữa một gia tài đồ sộ, phong phú của ông, người yêu nhạc vẫn có thể thấm đẫm đến những bản nhạc: Đường xưa lối cũ, Trăng rụng xuống cầu, Rước tình về quê hương, Mấy nhịp cầu tre, Đám cưới trên đường quê, Gạo trắng trăng thanh, Chuyện tình người trinh nữ tên Thi…, trở thành âm hưởng, dòng nhạc Hoàng Thi Thơ riêng biệt không lẫn với ai.

 

 

“Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ rước tình về với quê hương” không chỉ vẽ cho bạn đọc một chân dung người nhạc sĩ, mà trong những trang sách này, bạn đọc yêu nhạc Hoàng Thi Thơ còn biết thêm về cuộc chia ly mối tình đầu của người nhạc sĩ, đó là “Mối tình đẹp nhất trần gian” (chữ của Châu La Việt) giữa chàng nhạc sĩ trẻ với cô gái đầy nhan sắc Tân Nhân. Tuy cả hai lìa xa nhau, Hoàng Thi Thơ về Nam, Tân Nhân ở lại ra Bắc, nhưng kết quả mối tình của đôi trai tài gái sắc là sự ra đời của một sinh linh bé bỏng, sau này là nhà văn - nhà báo - nhà thơ Châu La Việt nổi tiếng với nhiều tác phẩm đậm chất lính. Hoàng Thi Thơ nổi tiếng trong sáng tác thì Tân Nhân chói lọi như ngọn lửa nghiệp ca sĩ với bản nhạc “Xa khơi”. Rất tiếc, Tân Nhân không hát bất cứ bài hát nào của người tình tài hoa của mình. Tuy nhiên, bà có lẽ đã hát thầm rất nhiều giai điệu của Hoàng Thi Thơ.


Cầm trên tay quyển sách này, người đọc thấy thú vị được gặp những bài viết của những tên tuổi lớn như: Phạm Duy, Du Tử Lê, Hoàng Phủ Ngọc Phan hay các nhà báo, nhạc sĩ, ca sĩ gạo cội như: Ái Vân, Họa My, Tuấn Khánh, Trương Nguyên Việt, Nguyễn Đình San, Hà Đình Nguyên… và đặc biệt là Tân Nhân - người vợ chưa cưới và con trai Châu La Việt (tên thật là Lê Khánh Hoài). Chính người con trai đầy khắc khoải giữa hai bờ nỗi nhớ này đã làm cuốn sách đầy trang trọng, chứa chan tình cảm để cho người cha ở thế giới bên kia được ngậm cười mãn nguyện.


Lê Đức Dương