Sách, kịch, phim truyền hình và thậm chí là cả MV ca nhạc đều được chuyển thể thành phim là thực tế đang diễn ra trong làng phim Việt. Có thành công vang dội và có cả những thất bại khi không thể vượt qua bản gốc.
Sách, kịch, phim truyền hình và thậm chí là cả MV ca nhạc đều được chuyển thể thành phim là thực tế đang diễn ra trong làng phim Việt. Có thành công vang dội và có cả những thất bại khi không thể vượt qua bản gốc.
Điện ảnh là đích đến
Giữa tháng 5, Nhà xuất bản Trẻ, đơn vị phát hành và giữ bản quyền cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chính thức ký kết hợp đồng chuyển giao tác phẩm Ngồi khóc trên cây cho Nhà sản xuất (NSX) Chung Minh (Velo Entertainment) để thực hiện phiên bản điện ảnh của bộ phim này. Như vậy, sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Cô gái đến từ hôm qua, đây là tác phẩm thứ 3 của nhà văn nổi tiếng này sẽ xuất hiện trên màn ảnh rộng.
Tại các rạp chiếu cuối tháng 5 vừa qua, bộ phim Yêu nữ siêu quậy cũng là dự án được chuyển thể từ vở kịch rất thành công của sân khấu Thế giới trẻ - Ma nữ si tình. Trong khi đó, ngày 1-6, bộ phim Em gái mưa được chuyển thể từ MV ca nhạc cùng tên đình đám trước đó sẽ ra mắt khán giả.
Cũng liên quan đến câu chuyện chuyển thể, khá đặc biệt là trường hợp của Người phán xử. Sau thành công vang dội của phiên bản truyền hình, đạo diễn Nguyễn Quang Huy đã quyết định thực hiện phiên bản điện ảnh cho tác phẩm này. Như vậy, đây sẽ là phiên bản chuyển thể thế hệ 2 bởi Người phán xử cũng là tác phẩm chuyển thể từ kịch bản truyền hình nước ngoài.
Nếu nhìn vào bức tranh điện ảnh Việt trong vài năm trở lại đây, ngoài làn sóng chuyển thể từ các phim nước ngoài, chuyển thể từ sách và kịch là 2 xu hướng nổi bật. Có thể kể đến: Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Người trở về, Cuộc đời của Yến, Nước 2030, Quyên, Hương Ga, Thiên mệnh anh hùng... (được chuyển thể từ các tác phẩm văn học); Thần tiên cũng nổi điên, Dạ cổ hoài lang, Xóm trọ 3D... (chuyển thể từ kịch). Sắp tới đây, một số tác phẩm được chuyển thể gây chú ý như: Gạo chợ nước sông, Chàng vợ của em...
Tạo sự khác biệt để thành công
Khó khăn dường như là điều tất yếu ngay cả với những đạo diễn lành nghề như Charlie Nguyễn. Lần đầu làm phim dựa trên một cuốn tiểu thuyết nước ngoài, anh cho biết đây là một thử thách đặc biệt cho bản thân anh. Diễn viên Thái Hòa từng chia sẻ dù đã hợp tác rất nhiều lần, nhưng chưa lần nào thấy Charlie Nguyễn “khó tính” như khi thực hiện Chàng vợ của em.
“Chuyển thể từ kịch thành phim, áp lực lớn nhất là làm thế nào để có cái gì đó mới hơn. Tôi cố nghĩ ra cách của riêng mình để không bị ảnh hưởng quá nhiều từ sân khấu”, đạo diễn Cao Tấn Lộc từng chia sẻ khi quyết định chuyển thể Thần tiên cũng nổi điên lên màn ảnh rộng.
Cùng chung quan điểm đó, đạo diễn Nguyễn Ngọc Hùng, người vừa chuyển thể vở kịch Ma nữ si tình, cho biết: “Lợi thế lớn nhất khi chuyển thể từ kịch thành phim là có sẵn nội dung, đường dây câu chuyện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phải xử lý, thay đổi rất nhiều bởi sân khấu và điện ảnh có ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau. Đó thực sự là khó khăn quá lớn”. Đạo diễn Ngọc Hùng cũng thẳng thắn thừa nhận, lần này anh thất bại khi chưa thể hiện được ngôn ngữ điện ảnh tròn trịa, tác phẩm vẫn đậm chất sân khấu.
Có thể thấy, với các tác phẩm đã ra mắt, có những phim chuyển thể, doanh thu cao: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (gần 80 tỷ đồng), Tấm Cám: Chuyện chưa kể (gần 70 tỷ đồng)... hay được giới chuyên môn dành cho nhiều đánh giá tích cực: Người trở về, Nước 2030, Cuộc đời của Yến, Thiên mệnh anh hùng... Tuy nhiên, có những bộ phim nhận được không ít khen chê trái chiều: Dạ cổ hoài lang, Xóm trọ 3D, Ma nữ si tình, Thần tiên cũng nổi điên...
Bài học mà đạo diễn Ngọc Hùng rút ra có lẽ là điều thấm thía đối với bất kỳ nhà làm phim nào: “Tôi nghĩ quan trọng nhất là cần thay đổi về mặt tư duy, tạo nên sự khác biệt, chỉn chu để tác phẩm đậm ngôn ngữ điện ảnh hơn. Gu thưởng thức của khán giả đã thay đổi rất nhiều và họ luôn cần những bộ phim điện ảnh tốt. Việc thành công hay thất bại là câu chuyện bình thường. Quan trọng là sau mỗi thất bại mình cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nữa”.
VĂN TUẤN (SGGP)