11:05, 25/05/2018

Nhẩn nha chữ nghĩa…

Trong tiếng Việt có một từ, ngẫm nghĩ hồi lâu thấy cũng vui, đó là "viết lách". Trong đời người, có lẽ ai cũng từng ít nhất một lần viết thì phải biết lách! Có người còn nói vui, không biết lách thì đừng theo nghề viết! Nhiều khi bản chất của vấn đề là như vậy, nhưng "lách" qua một tý bằng một chữ gần nghĩa hay bằng một từ Hán Việt, nghĩa của từ có vẻ mềm đi rất nhiều. Đúng là chữ nghĩa tiếng Việt!

Trong tiếng Việt có một từ, ngẫm nghĩ hồi lâu thấy cũng vui, đó là “viết lách”. Trong đời người, có lẽ ai cũng từng ít nhất một lần viết thì phải biết lách! Có người còn nói vui, không biết lách thì đừng theo nghề viết! Nhiều khi bản chất của vấn đề là như vậy, nhưng “lách” qua một tý bằng một chữ gần nghĩa hay bằng một từ Hán Việt, nghĩa của từ có vẻ mềm đi rất nhiều. Đúng là chữ nghĩa tiếng Việt!


Mấy bữa nay báo chí rần rần đưa tin về vụ Bộ Giao thông vận tải sáng tạo ra từ “trạm thu giá” thay vì thu phí, có lẽ để né bớt những thông tin nóng bỏng xung quanh các trạm BOT vừa qua. Việc lấy một chữ từ văn bản Luật phí và lệ phí ra thay cho chữ dùng theo nghĩa thông thường ngoài đời khiến mọi người vừa thấy hài hước, vừa vô nghĩa. Bởi bản chất của việc xe chạy trên đường doanh nghiệp đầu tư thì phải trả tiền khi đi qua trạm chả có gì thay đổi, chứ thu giá là thu cái giá nào? Không lẽ chữ “phí” từ giờ phải nói theo đúng Luật? Vậy người dân sẽ phải nói “trà đá miễn giá”, “chi giá tăng cao”, “tư vấn pháp luật miễn giá cho người nghèo”...?


Tiếng Việt có khoảng 80% từ có nguồn gốc Hán Việt. Đặc điểm của từ gốc Hán Việt so với từ thuần Việt là cùng nghĩa nhưng có tính trang trọng hơn. Quan chức bị kết tội “tham ô” dễ nghe hơn là “ăn cắp tài sản công”. Vị tiến sĩ nọ bị tố “đạo văn” nghe thanh nhã hơn hẳn là “ăn cắp văn”. Nghe “diêm dân” có vẻ thơ mộng hơn “dân làm muối” thấy mặn chát...


Nhưng trong nghề viết, những cái lách trên chỉ thuần túy là thao tác kỹ thuật. Có những người biết lách ở cấp độ cao hơn! Chẳng hạn nói về những việc ở một địa phương, ngành chưa làm được thì nên dùng từ “tồn tại”. Một phong trào hô hào nhiều, công của đổ ra lắm nhưng không thấy hiệu quả thì phải biết viết “có chuyển biến nhưng chưa rõ nét”. Hoặc một địa phương buông lỏng quản lý đất đai, để việc sang nhượng, lấn chiếm trái pháp luật diễn ra ì xèo thì cũng nên viết là “cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý đất đai”...


Anh em khi trà dư tửu hậu ngồi tán đủ thứ về từ ngữ tiếng Việt. Nào là tiền tệ, tiền bạc... để nói về bản chất đồng tiền. Hay “tam đoạn luận” về mấy từ chức quyền, quyền lợi, lợi lộc thành có chức thì có quyền, có quyền thì có lợi, lợi là lộc... Hay mấy anh Tây khi học tiếng Việt cứ ngẩn ngơ, không biết tại sao là con gà quạ, con mèo mun, con chó mực rồi lại có con ngựa ô?


Tiếng Việt mình nó phong phú vậy. Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp tiếng Việt mà.


Nhẩn nha cho vui vậy, chớ có lách gì thì cũng đừng đi quá xa bản chất của vấn đề, để bà con phản ứng rần rần như cái vụ thu giá, miễn giá… coi mòi không ổn!


Thủy Ngân