10:04, 03/04/2018

Vui lễ cúng mừng đầu lúa mới

Khi những nương lúa cuối cùng được đồng bào Raglai thu hoạch xong cũng là lúc các gia đình rộn ràng chuẩn bị lễ ăn mừng đầu lúa mới để tạ ơn trời đất, tổ tiên.

Khi những nương lúa cuối cùng được đồng bào Raglai thu hoạch xong cũng là lúc các gia đình rộn ràng chuẩn bị lễ ăn mừng đầu lúa mới để tạ ơn trời đất, tổ tiên. Cùng một lần hòa vào không khí của buổi lễ tái hiện để thấy được vẻ đẹp của nét văn hóa độc đáo này.

 

Những người già gặp nhau trong lễ ăn mừng đầu lúa mới.
Những người già gặp nhau trong lễ ăn mừng đầu lúa mới.
 
Ngày hội của buôn làng
 
Giữa những ngày tháng 2 âm lịch, chúng tôi có mặt tại thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn) để tham dự lễ ăn mừng đầu lúa mới của người dân nơi đây. Từ sáng sớm, không khí buôn làng đã rộn ràng, nhộn nhịp. Già trẻ, gái trai trong làng có mặt tại nhà dài để phân công công việc. Người được cử đi lấy lồ ô về nấu cơm lam, thịt lam; đàn ông được phân công làm gà, mổ heo; phụ nữ thì chuẩn bị nấu món đãi tiệc… Đội văn nghệ với những chàng trai, cô gái Raglai ôn lại những làn điệu dân ca, điệu múa xoan và biểu diễn mã la. “Tham gia lễ ăn mừng đầu lúa mới, thanh niên chúng em vui lắm. Được người già hướng dẫn làm các công việc, chúng em hiểu hơn về tục lệ của người xưa truyền lại”, bạn Mấu Thị Xoàn - thôn Hòn Dung cho biết. Già làng Mấu Xuân Điệp (thôn Tà Nỉa, xã Sơn Trung) chia sẻ: “Nhận được lời mời của chủ cúng về dự lễ mừng đầu lúa mới, tôi đến từ sớm. Lâu lắm rồi, tôi mới lại được thấy không khí rộn ràng như thế này”. 
 
Lễ ăn mừng đầu lúa mới lần này do gia đình già làng Cao Lê Dân đứng ra thực hiện. Cũng nhiều năm rồi, buổi lễ này mới được tổ chức một cách có quy mô như thế. “Trước đây, cứ mỗi lần mùa vụ được hoàn thành thì đồng bào Raglai lại tổ chức ăn mừng đầu lúa mới. Nhà nào cũng tổ chức lễ này nên đây như là ngày Tết của đồng bào. Tùy theo điều kiện của mỗi nhà mà việc tổ chức ăn mừng lớn hay nhỏ. Nhưng qua thời gian, tục lệ này dần mai một. Bây giờ nó cũng chỉ còn lại trong tâm trí của người già. Gia đình tôi rất vinh dự khi được xã tạo điều kiện để tổ chức tái hiện lễ ăn mừng lúa mới. Hy vọng, qua đây lớp trẻ biết về tục lệ của cha ông”, già làng Cao Lê Dân chia sẻ. 
 
 
Đến khoảng 4 giờ chiều, mọi công việc chuẩn bị cho buổi lễ được hoàn tất. Những chàng trai, cô gái khỏe đẹp trong trang phục truyền thống lần lượt bưng hai mâm cúng, hai bó lúa, ché rượu cần đến bên chiếc cột cái trong ngôi nhà dài để chủ cúng bắt đầu thực hiện nghi lễ cúng tạ ơn trời đất đã giúp cho mưa thuận gió hòa, ruộng nương xanh tốt, cảm ơn tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng bội thu, sức khỏe dẻo dai… Cùng với đó, tiếng mã la ngân lên khi trầm khi bổng càng khiến cho không gian xóm làng như trở về với miền xa xăm một thuở.

 

Chủ cúng sửa soạn mâm cúng.
Chủ cúng sửa soạn mâm cúng.
 
 
Giữ gìn nét văn hóa độc đáo
 
Theo Nghệ nhân Ưu tú Mấu Quốc Tiến, người Raglai rất coi trọng cây lúa nên họ thường gọi là Mẹ lúa. Khi những nương lúa cuối cùng được thu hoạch gọn gàng mang về cất đặt trong kho thì lúc ấy người Raglai mới thực hiện lễ ăn mừng lúa mới. Vậy nên, thời gian diễn ra lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai thường diễn ra sau Tết Nguyên đán của người Kinh. Lễ ăn mừng đầu lúa mới có ý nghĩa rất lớn đối với người Raglai trước đây. Bởi đây là dịp để mọi người sum họp, vui chơi và trả ơn cho nhau trong một năm lao động vất vả. Trước đây, lễ thường diễn ra trong 3 ngày: ngày thứ nhất ăn mừng cổ đầu lúa mới, ngày thứ hai ăn mừng bắp khối, ngày thứ ba ăn ngả rạ khai trương trên nương rẫy. Còn hôm nay, với ý nghĩa tái hiện nên chỉ diễn ra trong 1 ngày nhằm nhắc nhở con cháu biết đến tục lệ tốt đẹp này của cha ông. 

 

Những người già gặp nhau trong lễ ăn mừng đầu lúa mới.Thiếu nữ Raglai trong trang phục truyền thống.
Thiếu nữ Raglai trong trang phục truyền thống.
 
 
Trong lễ ăn mừng lúa mới của người Raglai còn truyền đi những thông điệp tốt đẹp khác như: nhắc nhở mọi người không gây cháy rừng, không khai thác rừng quá mức… Bên cạnh phần lễ cúng còn có phần hội, đó là hát đối đáp với nhau những làn điệu dân ca Alơu, Majêng, Siri, Adoh… hay hòa tấu mã la đầy sôi động. Tiếng hát, tiếng mã la cứ thế nối dài ngân nga, thông qua những lời hát đó nhắn nhủ con cháu về công lao của ông cha đã để lại, động viên mọi người tích cực sản xuất mùa màng, giữ gìn tình cảm xóm làng cộng đồng bền chặt. 
 
Theo ông Trần Tấn Chóng - Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp, việc tổ chức phục dựng lại lễ ăn mừng đầu lúa mới là một hình thức để giữ gìn, bảo tồn những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai. Từ đây, hướng đến việc phát huy các giá trị văn hóa gắn với hoạt động du lịch của địa phương. Sơn Hiệp may mắn vẫn còn giữ được ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào Raglai. Xã cũng duy trì được đội văn nghệ Raglai, đội mã la. Trên địa bàn xã có danh thắng thác Tà Gụ… Chính vì thế, trong đề án phát triển du lịch của huyện, Sơn Hiệp được chọn là trung tâm để thực hiện các tour, tuyến du lịch. Để thực hiện chủ trương đó, xã đang từng bước bắt tay vào việc khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Raglai để có thể trở thành những sản phẩm phục vụ du lịch. 
 
 
 
Chủ cúng thực hiện nghi thức cúng mừng đầu lúa mới.
Chủ cúng thực hiện nghi thức cúng mừng đầu lúa mới.
 
Lễ ăn mừng đầu lúa mới, lễ bỏ mả là những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Raglai ở Khánh Sơn cần được gìn giữ và phát huy, bởi trong đó có sự tổng hợp các nghi thức, tập tục truyền thống cũng như các loại hình diễn xướng dân gian. Giữ gìn, phát huy những lễ hội đó cũng có nghĩa là chúng ta đang giữ gìn các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống của đồng bào Raglai như: đàn đá, mã la, đàn chapi, kèn bầu… “Trong đề án phát triển du lịch của huyện, chúng tôi giao cho UBND xã Sơn Hiệp thực hiện việc phục dựng các nghi thức, lễ hội truyền thống của đồng bào Raglai gắn với không gian ngôi nhà dài truyền thống. Bên cạnh đó, huyện cũng đã kêu gọi đầu tư vào thác Tà Gụ; vận động các nhà vườn trồng cây ăn quả đặc sản tham gia hoạt động du lịch… Đây là bước khởi đầu cho định hướng phát triển du lịch Khánh Sơn. Trong quá trình đó, huyện sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm để những giá trị văn hóa truyền thống phát huy được ý nghĩa và giới thiệu cho du khách gần xa được biết”, bà Bo Bo Thị Yến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết. 
 
NHÂN TÂM