04:04, 02/04/2018

"Hát mừng Nha Trang giải phóng": Một ca khúc hay về phố biển

Trong thời khắc lịch sử ngày Nha Trang được giải phóng, đã có những ca khúc kịp thời ra đời ghi lại không khí cũng như cổ vũ tinh thần đồng bào, chiến sĩ như: Chào Nha Trang giải phóng (Hoàng Hà), Nha Trang mùa xuân nay biển hát (Thịnh Trường)...

Trong thời khắc lịch sử ngày Nha Trang được giải phóng, đã có những ca khúc kịp thời ra đời ghi lại không khí cũng như cổ vũ tinh thần đồng bào, chiến sĩ như: Chào Nha Trang giải phóng (Hoàng Hà), Nha Trang mùa xuân nay biển hát (Thịnh Trường), Nha Trang giải phóng (Hoàng Thơ Huy)… Hát mừng Nha Trang giải phóng của tác giả Nguyễn Nùng cũng là một ca khúc hay về phố biển.
 
 
Ca khúc Hát mừng Nha Trang giải phóng được thu âm trong giai đoạn lịch sử của hơn 40 năm trước. Người thể hiện ca khúc là ca sĩ Trần Thụ (1929 - 2009), giọng ca tên tuổi của Đài Tiếng nói Việt Nam đã để lại dấu ấn với hàng loạt ca khúc nổi tiếng như: Vàm Cỏ Đông (Trương Quang Lục), Ngọn đèn đứng gác (nhạc Hoàng Hiệp, thơ Chính Hữu), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương)… Giọng nam trung của ông cũng là một trong những giọng hát truyền cảm trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam từ những giai đoạn đầu tiên đã bay xa trên mọi miền đất nước và gây dấu ấn sâu sắc cho khán thính giả. 
 
Bài hát gồm 3 đoạn, mang âm hưởng dân ca. Bài hát được mở đầu với tiết tấu chậm để diễn tả cảnh Nha Trang trong không khí thống nhất hòa bình. “Nha Trang ơi xanh xanh biển Đông, rì rào từng đợt sóng reo/Giờ đây rừng rực cờ sao đã giải phóng rồi, rạng rỡ hôm nay/Nha Trang ơi sóng biển hiền hòa ơi bờ cát trắng phẳng lỳ/Dòng sông bao la quê ta nay sạch bóng quân thù”. Những lời ca như vẽ lên khung cảnh phố biển Nha Trang hân hoan, mừng vui khi không còn bóng giặc. Bóng tối của những ngày đau khổ đã được cờ sao giải phóng chiếu rọi. Những đợt sóng biển, những bờ cát trắng, những dòng sông như cùng hòa lên khúc ca dịu dàng trong ngày toàn thắng. 
 
 
 
 
Sang đoạn 2 của bài hát, tiết tấu nhanh hơn, dồn dập hơn để diễn tả sắc thái của những đoàn quân tiến về thành phố rực bóng cờ sao. “Bầu trời càng xanh xua đi bao bóng mây/Biển rộng càng sôi tan đi muôn đắng cay/Rừng Đồng Đế ngàn thông reo vui/Dòng sông Cái mênh mông sóng nước/Mừng giải phóng cánh yến đón gió/Tháp Bà nghiêng nghiêng vẫy đoàn quân đi lên”. Trong ngày Nha Trang giải phóng, bầu trời, sóng biển cũng như xanh hơn, đẹp hơn. Những tên đất, tên sông, những địa danh càng trở nên thân thương, vui mừng chào đón những đoàn quân tiến vào thành phố. Tác giả kết thúc đoạn nhạc ở bậc thứ 5 như kéo dài âm hưởng bước chân của những đoàn quân chiến thắng.   
 
Đoạn cuối của bài hát cũng có tiết tấu như đoạn hai, tác giả đã sử dụng nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng nhằm toát lên khí thế hào hùng cũng như niềm vui mừng trong ngày quê hương Nha Trang được giải phóng: “Mặt trời hồng tươi xua tan đi bóng đêm/Rầm rập đoàn quân ta đi trong gió khơi/Từng mạch sống tràn dâng yêu thương/Ngày vui thắm mãi với sóng biếc/Cờ giải phóng tung bay khắp chốn/Bóng cờ bay in mãi lòng ta vui sao”. 
 
Có thể thấy, ca khúc Hát mừng Nha Trang giải phóng được viết với phần nhạc tương đối đơn giản, chính điều đó tạo nên sự gần gũi, dễ nghe, dễ thuộc cho bài hát. Phần ca từ được tác giả cố gắng đưa vào những hình ảnh, từ ngữ nhằm diễn tả không khí trong ngày Nha Trang được giải phóng, cũng như thể hiện cung bậc cảm xúc vui sướng, hân hoan trong lòng mỗi người. 
 
Tác giả Nguyễn Nùng sinh năm 1932, từng làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến ngày nghỉ hưu. Ông là hội viên Chi hội sân khấu Đài Tiếng nói Việt Nam với chuyên môn là tác giả kịch bản sân khấu. Đến nay, hoàn cảnh sáng tác của ca khúc Hát mừng Nha Trang giải phóng vẫn chưa được giới thiệu chi tiết, chỉ biết rằng, ca khúc ra đời trong niềm cảm hứng của tác giả khi nghe tin từng đoàn quân tiến vào giải phóng Nha Trang. Ông viết tác phẩm trong một khoảng thời gian rất ngắn và sau đó được ca sĩ Trần Thụ hát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.
 
GIANG ĐÌNH