10:04, 17/04/2018

Bắc Sơn - còn thương rau đắng mọc sau hè

Đã từ lâu rồi, có một bài hát khi vang lên làm cho người nghe thật xốn xang với đầy nỗi buồn hanh hao về miền quê xưa tràn ngập trong ký ức. Đó là bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè của nhạc sĩ Bắc Sơn.

Đã từ lâu rồi, có một bài hát khi vang lên làm cho người nghe thật xốn xang với đầy nỗi buồn hanh hao về miền quê xưa tràn ngập trong ký ức. Đó là bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè của nhạc sĩ Bắc Sơn.


Có lẽ lớp trẻ hôm nay khi nghe “rau đắng mọc sau hè” đều khó hình dung ra tác giả của nó, bởi ông đã xa rời vườn rau đắng chứa chan quê hương lâu rồi. Nhạc sĩ Bắc Sơn mất tháng 2-2005. Tuy nhiên, với lớp người lớn tuổi thì Bắc Sơn là gương mặt cực kỳ ấn tượng của nền điện ảnh cách mạng sau năm 1975. Người xem vẫn nhớ gương mặt quắc thước, râu quai nón rậm bạc trắng cùng với mái tóc và đôi mắt đầy nam tính.

 

<p style= &quot;text-align: justify; &quot;>Nhạc sĩ Bắc Sơn.</p>

Nhạc sĩ Bắc Sơn.


Bắc Sơn là nghệ sĩ tài hoa nổi tiếng trước giải phóng, là nhạc sĩ, đạo diễn kiêm diễn viên điện ảnh và truyền hình. Ông là một trong số diễn viên đầu tiên tham gia bộ phim của cách mạng sau giải phóng miền Nam cùng với Lý Huỳnh, Trần Quang, Thẩm Thúy Hằng, Thùy Liên… Trong bộ phim Cô Nhíp, ông đóng vai ông Tư xích lô, rồi liên tiếp sau đó tham gia vai chính các phim nổi tiếng: Vùng gió xoáy, Mùa nước nổi (đạo diễn Hồng Sến), Xa và gần (đạo diễn Huy Thành), Người tìm vàng (đạo diễn Đào Bá Sơn)… Trong đó, với vai Hai Bạc Liêu phim Người tìm vàng, ông nhận giải diễn viên xuất sắc nhất liên hoan phim lần thứ IX tổ chức  tại Nha Trang mùa hè năm 1990. Ông được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú năm 1997. Có thể nói, những năm chín muồi nhất về phong độ, thi hứng về nghệ thuật Bắc Sơn được tắm mình trong dòng sông nghệ thuật đỉnh cao của điện ảnh cách mạng ở thập niên 1980, 1990 thế kỷ trước.


Trở lại với Bắc Sơn âm nhạc, khi đang ở đỉnh cao của nghệ sĩ điện ảnh tài năng, người ta ít nhắc đến vai trò nhạc sĩ của ông, mặc dù trước đó ông có một khối lượng tác phẩm rất khá, trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng từ trước giải phóng như: Duyên ta như mây, Em đi trên cỏ non, Còn thương góc bếp chái hè, Sa mưa giông và đặc biệt Còn thương rau đắng mọc sau hè. Bài hát này ông sáng tác năm 1974 cho vở kịch Bếp lửa ấm. Người thể hiện đầu tiên là ca sĩ Hoàng Anh, sau này ca sĩ Hương Lan thu âm lại ở hải ngoại thì bài hát trở nên nổi tiếng. Lý giải điều này, Bắc Sơn cho rằng vì thời điểm này rất nhiều người Việt xa Tổ quốc nên đã khơi niềm xúc động lớn.


Còn thương rau đắng mọc sau hè, tên bài hát đã nói lên tất cả sự mộc mạc của nó với giai điệu buồn tới hanh hao của lời tâm sự. Thường thường thì nét buồn hay rơi vào cảnh mùa thu hay đông thì Bắc Sơn lại để vào thời điểm chớm hạ: “Nắng hạ đi, mây trôi lang thang cho hạ buồn. Coi khói đốt đồng, để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng”. Mở đầu đã khái quát toàn bộ chủ đề của bài hát với không gian mênh mang vời vợi của phút giây chớm hạ. Về điều này, trước đây trong bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử đã có câu buồn về ánh nắng xôn xao “Chị ấy năm nay còn gánh thóc, dọc bờ sông trắng nắng chang chang”, hay nhạc sĩ Nguyễn Bá Nghiêm có bài Chiều hạ vàng “Em hát đi cho mây hạ buồn, hạ trắng lang thang…” thực sự làm cho người nghe thấy thổn thức về nỗi buồn xa nhớ kỷ niệm quê hương. Với Còn thương rau đắng mọc sau hè, Bắc Sơn với tư duy của một người viết kịch, làm phim nên bài hát cứ dần hiện lên một câu chuyện mở màn không gian miền quê Nam bộ, vào một ngôi nhà nhỏ có hai người già là chị em ruột ngồi nhổ tóc cho nhau để nhớ về kỷ niệm yêu thương một thời đã xa. Từ đây mỗi giai điệu lời ca là một hình rất cụ thể, giản dị mà chứa chan cảm xúc. Dù rất vô tình nhưng tâm hồn của người nhạc sĩ giàu chất Nam bộ - Bắc Sơn đã đưa vào âm hưởng của điệu lý buồn nên cực kỳ ấn tượng, nó khác hẳn với xu thế nhạc bolero thịnh hành ở thời điểm đó, gợi buồn nhưng điệu lý quê hương đất Nam bộ trở nên sang trọng mà đầy day dứt.


Có một thời gian dài bài hát bị đánh đồng với nhạc vàng nên ít phổ biến, nhưng cuối cùng Còn thương rau đắng mọc sau hè vẫn ngân vang như từ cánh đồng, từ lũy tre hay đám mây buồn mùa hạ quê hương vào trái tim người nghe. Mỗi người khi xa quê hương Nam bộ đều đem theo bài hát như món quà thiêng liêng của miền thơ ấu của mình.


Chính nhờ bài hát nổi tiếng này mà sau này dù nhạc sĩ Bắc Sơn đã đi xa nhưng người dân Nam bộ rất yêu quý ông, một doanh nghiệp cũng là con gái của ông đã lập ra một quỹ học bổng có giá trị mang tên Bắc Sơn để tặng cho các nông dân nghèo tần tảo nơi miền quê. Cọng rau đắng bé nhỏ nhờ bài hát hay trở thành biểu tượng của mối tình ruột thịt chan chứa yêu thương của người dân Nam bộ.


Dương Trang Hương