11:03, 27/03/2018

Chính sách hỗ trợ nghệ nhân: Đã triển khai nhưng còn vướng

Ngay sau khi Chính phủ có nghị định về việc hỗ trợ  đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, Khánh Hòa là một trong số các địa phương sớm triển khai thực hiện...

Ngay sau khi Chính phủ có nghị định về việc hỗ trợ  đối với nghệ nhân nhân dân (NNND), nghệ nhân ưu tú (NNƯT), Khánh Hòa là một trong số các địa phương sớm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, vấn đề hỗ trợ nghệ nhân bộc lộ những vướng mắc.
 
 
Nghệ nhân Ưu tú Mấu Quốc Tiến trong một buổi truyền dạy sử thi Raglai cho học sinh.
Nghệ nhân Ưu tú Mấu Quốc Tiến trong một buổi truyền dạy sử thi Raglai cho học sinh.
 
Thực tế về những báu vật nhân văn sống
 
Nghệ nhân dân gian là những người nắm giữ những giá trị tinh hoa văn hóa nghệ thuật truyền thống, ngành nghề thủ công truyền thống và được UNESCO trân trọng gọi là báu vật nhân văn sống. Năm 2015, lần đầu tiên Nhà nước thực hiện việc phong tặng, truy tặng danh hiệu NNND, NNƯT đối với 617 nghệ nhân. Trong đó, Khánh Hòa vinh dự có 8 người được phong tặng danh hiệu NNƯT ở hai loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, ngữ văn dân gian. Mới đây, trong đợt xét tặng danh hiệu lần thứ 2 năm 2018, tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ để đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNND cho NNƯT Trần Rí và danh hiệu NNƯT cho 3 người khác. 
 
Trên thực tế, trong số 8 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu đợt đầu, đến nay đã có 3 người đã qua đời là các cụ: Lê Bộc, Mấu Thị Giêng, Trần Thị Tâm. Số NNƯT đang còn sống cũng đều tuổi cao, sức yếu. Trong đó, có những nghệ nhân là người dân tộc Raglai đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn như: Cao Thị Thanh, Cao Thị Quang, Mấu Quốc Tiến (huyện Khánh Sơn); hay như NNƯT Trần Rí ở huyện Vạn Ninh là người khuyết tật nặng. Các nghệ nhân mới được đề nghị phong tặng danh hiệu trong thời gian tới cũng đã ở tuổi thất thập.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao), các nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu và đang trong quá trình được đề nghị phong tặng danh hiệu đều có những đóng góp tích cực trong việc truyền dạy, bảo tồn các di sản văn hóa, ngành nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, họ vẫn chưa được hưởng một chính sách nào liên quan đến danh hiệu của mình. Việc hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân lâu nay vẫn mang tính chất thời vụ. Nghĩa là khi có kỳ cuộc nào đó, hay khi thực hiện các đề tài khoa học có liên quan đến lĩnh vực các nghệ nhân đang nắm giữ thì họ được mời tham gia và có kinh phí. Đến thời điểm này, số lượng người được phong tặng, truy tặng danh hiệu NNND, NNƯT cũng rất ít. Riêng Khánh Hòa còn lại có 5 người. Vậy mà chúng ta không thể có được một chính sách hỗ trợ kinh phí thường xuyên thì thật đáng tiếc. 
Đối tượng áp dụng theo Nghị định 109: NNND, NNƯT được Nhà nước phong tặng thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định (tại thời điểm ban hành Nghị định này là 1.150.000 đồng), gồm: người đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ và đủ 60 tuổi trở lên đối với nam không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; người mắc một trong các bệnh cần chữa trị dài ngày. Mức trợ cấp sinh hoạt hàng tháng tùy theo đối tượng để được hưởng các mức: 1 triệu đồng, 850.000 đồng, 700.000 đồng.
 
Liên quan đến vấn đề này, NNƯT Mấu Quốc Tiến cũng mong mỏi: “Những nghệ nhân như chúng tôi rất mong nhận được chính sách hỗ trợ thường xuyên để có điều kiện đóng góp nhiều hơn trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Đó vừa là nguồn động viên vừa gắn trách nhiệm đối với các nghệ nhân”.
 
Cần có chế độ mang tính đặc thù
 
Ngày 28-10-2015, Chính phủ ban hành Nghị định 109 về việc hỗ trợ đối với NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, việc áp dụng đối tượng cũng như mức kinh phí hỗ trợ theo nghị định này cũng rất hạn chế. Chính điều này khiến cho việc triển khai nghị định trên địa bàn Khánh Hòa dù đã thực hiện từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc, và vẫn chưa có trường hợp nghệ nhân nào được hưởng kinh phí hỗ trợ từ chính sách trên. “Ở Khánh Sơn có trường hợp NNƯT thuộc diện được hưởng kinh phí hỗ trợ theo Nghị định 109. Tuy nhiên, người này lâu nay vẫn đang nhận trợ cấp hàng tháng theo chính sách an sinh xã hội khác như: hộ nghèo, người cao tuổi… Chính vì thế, chúng tôi không biết họ có được hưởng thêm chính sách dành cho nghệ nhân nữa hay không?”, bà Phan Thị Thanh Nhàn - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Khánh Sơn cho biết.
Theo báo cáo của UBND TP. Nha Trang, tháng 10-2016, địa phương đã rà soát, xác minh trường hợp 2 nghệ nhân Trần Thị Tâm (đã mất) và Kiều Thị Hương đều không có mức thu nhập bình quân hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở (mặc dù gia đình nghệ nhân Trần Thị Tâm thuộc diện hộ cận nghèo vào năm 2016) nên không thuộc đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị định 109. Ở huyện Vạn Ninh, trường hợp NNƯT Lê Bộc đã mất từ trước thời điểm Nghị định 109 có hiệu lực; NNƯT Trần Rí gia đình không thuộc diện hộ nghèo hay cận nghèo, bản thân ông đang hưởng chế độ trợ cấp dành cho người khuyết tật nặng nên cũng chưa được hưởng chính sách theo Nghị định 109.
 
Theo ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, sở đã đề nghị các địa phương có NNƯT thực hiện việc rà soát, đánh giá để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ. Theo quy định, một người không thể cùng lúc vừa hưởng chế độ nghệ nhân vừa hưởng chế độ trợ cấp thuộc diện khác. Đây chính là bất cập trong việc triển khai thực hiện Nghị định 109. “Đến nay, Bộ LĐ-TB-XH vẫn chưa đưa ra bộ công cụ hướng dẫn thực hiện nghị định, vậy nên, chúng tôi đang gặp những vướng mắc trong việc thực hiện nghị định của Chính phủ. Chúng tôi có hướng kiến nghị với bộ về việc nên cho các NNND, NNƯT được cùng lúc hưởng chế độ hỗ trợ này song song với các chế độ khác. Bởi xét cho cùng thì số lượng các nghệ nhân được phong danh hiệu trong cả nước cũng không quá nhiều mà số nghệ nhân thuộc đối tượng được hưởng chính sách này lại càng ít”, ông Tân nói. 
 
Có thể thấy, với những vướng mắc trong quá trình triển khai ở địa phương thì chính sách, chế độ hỗ trợ cho các nghệ nhân cần tính tới yếu tố đặc thù. Bởi đóng góp của các nghệ nhân là những giá trị vô giá cần được bảo tồn, phát huy. Số lượng các nghệ nhân được phong danh hiệu cũng không nhiều. Một khoản kinh phí hàng tháng từ ngân sách là nguồn động viên quan trọng dành cho các nghệ nhân.
 
Giang Đình