11:01, 30/01/2018

Sông Lô chiều cuối năm

Đó là tên ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ quân đội Minh Quang; đó cũng là cảm xúc của một người lính, hay tất cả những người đã từng qua dòng sông lịch sử đầy bi tráng nhưng thấm đẫm hồn thơ của dải lụa xanh nơi đất tổ: Sông Lô! Ca khúc ấy luôn làm lay động trái tim bao người yêu nhạc những ngày cuối năm suốt 40 năm qua.

Đó là tên ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ quân đội Minh Quang; đó cũng là cảm xúc của một người lính, hay tất cả những người đã từng qua dòng sông lịch sử đầy bi tráng nhưng thấm đẫm hồn thơ của dải lụa xanh nơi đất tổ: Sông Lô! Ca khúc ấy luôn làm lay động trái tim bao người yêu nhạc những ngày cuối năm suốt 40 năm qua.

Sông Lô, 1 trong 5 dòng sông dài nhất của miền Bắc rất nổi tiếng vì chảy từ biên giới Hà Giang về tới đất tổ Phú Thọ thì hòa vào dòng sông Hồng. Ngoài tính chất địa lý thông thường, dòng sông Lô mang trong lòng một âm hưởng oai hùng - “Chiến thắng sông Lô - 1947” lần đầu tiên quân ta nhận chìm tàu chiến giặc Pháp tiến lên Việt Bắc, đánh tan gọng kìm vây căn cứ địa ta của giặc, mở đầu cho chiến thắng kháng chiến 9 năm. Với chiến công đó, dòng sông Lô được các nhà báo, nhà văn, sử học, quân sự ghi lại, nhưng ấn tượng nhất chính nhờ nhạc sĩ thiên tài Văn Cao khi viết Trường ca sông Lô - bản nhạc hay nhất về dòng sông Việt Nam của nền tân nhạc Việt Nam. “Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc, bãi dài ngô lau núi rừng âm u. Ai qua bến nắng hồng nhìn lặng dòng nước sông Lô xưa…”. Âm hưởng hào hùng đó vang mãi từ năm 1948 cho tới tận hôm nay và mãi mãi. Chúng ta cũng không quên câu thơ đầy lãng mạn cách mạng của nhà thơ Tố Hữu: “Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát. Chuyến phà rào rạt bến nước Bình Ca”.

 

Một góc sông Lô.

Một góc sông Lô.


Nhưng rồi tất cả cũng như dòng nước trôi, thời gian phủ mờ sương khói, sông Lô trở lại nét hiền hòa muôn thuở ở miền đất tổ trước khi về ngã ba Bạch Hạc - Việt Trì cùng với sông Đà hòa vào dòng sông Hồng (Thao)  xuôi về biển. Chính đoạn cuối cùng này sông Lô thể hiện đầy đủ nét đẹp của dòng sông được ví như dải lụa uốn lượn cho miền đất Vua Hùng thiêng liêng đã làm thổn thức bao tâm hồn nghệ sĩ, trong đó có nhạc sĩ Minh Quang. Đó là đầu năm 1983, khi đó Minh Quang vừa là ca sĩ kiêm nhạc sĩ Đoàn Ca nhạc quân đội lên miền Tây Bắc biểu diễn. Trong một buổi chiều đứng trước dòng Lô ở Đoan Hùng sương ảo, trái tim người chiến sĩ - nghệ sĩ “bất chợt gặp câu hát từ bến sông xưa vọng lại. Ai về qua bến Bình Ca”. Đó là những mối tình dang dở vì những người lính đi mãi không về. Đây chính là cái tứ cho chủ đề của một ca khúc trong tương lai. Nhạc sĩ Minh Quang tâm sự, sông Lô theo âm hưởng Trường ca sông Lô của Văn Cao thật hào hùng, thật bi tráng, nhưng với ông khi đó cứ thấy xao lòng buồn buồn của cảnh vật bến nước xưa. Ông chợt nghĩ như mình, dù khi đó còn rất trẻ nhưng hóa thân thành một người lính xưa đã từng “bỏ quên câu thơ giữa dòng”. Đây chính là nét thần của “Sông Lô chiều cuối năm” đem lại cho người yêu nhạc một xúc cảm lớn lao đầy day dứt khó tả về sự mất mát hy sinh của cuộc chiến trong quá khứ: “Ai tìm về bên ai, ta tìm về bên em. Qua bến Bình Ca đứng lặng. Cây đào ngày tết sắp ra hoa. Sao người con gái ấy nơi đâu. Để lại bến sông kia bâng khuâng một con đò. Để lại bến sông kia một mình tôi”.


“Sông Lô chiều cuối năm” là một trong những bài hát sớm về hậu chiến tranh, dù man mác buồn nhưng không ủy mị. Tưởng rằng với một ca khúc đầy chiều sâu tâm hồn sẽ được viết trên giai điệu mềm dịu thì với Minh Quang, dù rất lãng mạn nhưng vẫn đậm chất hào sảng, chất lính và người thể hiện cũng làm cho công chúng ngạc nhiên đó là Doãn Tần - giọng nam cao nổi tiếng với bài “Đường chúng ta đi”. Doãn Tần thể hiện bài hát cao vút như chuông ngân mà cháy lòng xót xa, đúng tâm trạng người lính thủy chung. Bài hát thực sự thành công, làm lay động trái tim mọi người khi nhớ về dòng sông bi tráng. Nhạc sĩ Minh Quang đã có cách riêng để tặng cho sông Lô một nhạc phẩm đặc sắc. Nó giống như dòng sông mùa hạ cuồn cuồn chảy, nổi sóng chiến công, rồi mùa đông êm đềm dịu dàng mà lấp lánh như bóng cây đào ngả cành bên sông đang hé nụ đón mùa xuân, đó là triết lý của chiến tranh và hòa bình.


Dương Trang Hương