09:12, 26/12/2017

Đẩy nhanh tiến độ số hóa truyền hình

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có văn bản chỉ đạo Khánh Hòa ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) đối với trạm phát sóng đặt tại Nha Trang, Vạn Ninh (từ ngày 31-12-2017) và Cam Ranh (trong quý I/2018). Đợt tắt sóng này sẽ ảnh hưởng đến nhiều địa phương trong tỉnh.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa có văn bản chỉ đạo Khánh Hòa ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) đối với trạm phát sóng đặt tại Nha Trang, Vạn Ninh (từ ngày 31-12-2017) và Cam Ranh (trong quý I/2018). Đợt tắt sóng này sẽ ảnh hưởng đến nhiều địa phương trong tỉnh.


Nhiều địa phương bị ảnh hưởng


Đầu tháng 10-2017, Sở TT-TT thông báo vùng ảnh hưởng khi ngừng phát sóng truyền hình analog tại trạm chính Nha Trang gồm toàn bộ TP. Nha Trang, 10 xã ở huyện Diên Khánh và 5 xã ở Khánh Vĩnh. Tuy nhiên, mới đây, Bộ TT-TT đã có công văn chỉ đạo Khánh Hòa và một số địa phương khác đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án Số hóa truyền hình mặt đất. Trong đó, Bộ TT-TT yêu cầu ngừng phát sóng analog tại 2 trạm phát sóng tại Nha Trang, Vạn Ninh từ ngày 31-12-2017 để chuyển sang phát sóng truyền hình số mặt đất; ngừng phát sóng analog đối với trạm phát sóng tại Cam Ranh trong quý I/2018.

 

Người dân dùng đầu thu kỹ thuật số DVB-T2 để xem truyền hình

Người dân dùng đầu thu kỹ thuật số DVB-T2 để xem truyền hình


Ông Phạm Duy Lộc - Giám đốc Sở TT-TT cho biết, để triển khai số hóa truyền hình, Khánh Hòa sẽ có 3 trạm phát sóng truyền hình số mặt đất. Trong đó, Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số Miền Nam (SDTV) chịu trách nhiệm lắp đặt máy phát sóng truyền hình số ở trạm chính Nha Trang và triển khai trạm phát lại ở Cam Ranh. Đài Truyền hình Việt Nam triển khai trạm phát lại ở Vạn Ninh để phủ sóng truyền hình kỹ thuật số trên địa bàn tỉnh. Các trạm phát còn lại vẫn tiếp tục phát sóng truyền hình analog để phục vụ người dân; lộ trình tắt sóng sẽ được Bộ TT-TT xem xét và chỉ đạo sau.


Theo dự kiến của Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT), việc tắt sóng truyền hình analog ở 3 trạm phát: Nha Trang, Vạn Ninh, Cam Ranh sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ 2 thành phố Nha Trang và Cam Ranh, ngoài ra một phần địa bàn thị xã Ninh Hòa, Cam Lâm, Diên Khánh, Vạn Ninh, Khánh Vĩnh cũng sẽ bị ảnh hưởng. Người dân trong vùng bị ảnh hưởng phải lắp đặt các đầu thu truyền hình số mặt đất (DVB-T2), hoặc sử dụng ti vi có tích hợp sẵn đầu thu DVB-TS để xem truyền hình. Những hộ nghèo, cận nghèo trong vùng phủ sóng truyền hình số sẽ được hỗ trợ lặt đặt đầu thu DVB-T2. “Sở TT-TT sẽ yêu cầu 3 nhà mạng MobiFone, Vinaphone, Viettel nhắn tin đến người dân để thông báo về việc tắt sóng analog. Tuy nhiên, lần này do nội dung phức tạp nên tin nhắn sẽ không cụ thể như đợt trước; người dân phải vào trang web để biết thông tin chi tiết”, bà Nguyễn Thanh Thủy - Trưởng phòng Bưu chính và Viễn thông (Sở TT-TT) cho biết.


Sẽ hỗ trợ đầu thu thành 2 đợt


Theo thống kê của Sở TT-TT, tổng số hộ nghèo, cận nghèo của Khánh Hòa bị ảnh hưởng bởi đợt tắt sóng sắp tới là 15.334 hộ. Hiện nay, Ban Quản lý Chương trình Dịch vụ viễn thông công ích (Bộ TT-TT) đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Kỹ thuật BENTA (Hà Nội) thực hiện việc mua sắm, lắp đặt đầu thu DVB-T2 cho người dân. Ngày 15-12, Sở TT-TT đã thông qua phương án triển khai dự án hỗ trợ đầu thu DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh của Công ty TNHH Kỹ thuật BENTA. Dự kiến, việc thực hiện hỗ trợ đầu thu DVB-T2 cho hộ nghèo, cận nghèo ở vùng bị ảnh hưởng sẽ được chia làm 2 đợt. Trong đó, đợt 1 (triển khai 45 ngày, kể từ ngày 18-12) nhà thầu sẽ lắp đặt đầu thu cho 11.562 hộ ở các địa bàn: Nha Trang, Cam Ranh, Vạn Ninh, Cam Lâm và 10 xã của huyện Diên Khánh; đợt 2 sẽ lắp đặt đầu thu cho 3.722 hộ nghèo, cận nghèo thuộc 5 xã còn lại của huyện Diên Khánh, 5 xã của huyện Khánh Vĩnh, 6 xã, phường của thị xã Ninh Hòa.


Hiện nay, Công ty TNHH Kỹ thuật BENTA đã vận chuyển đầu thu truyền hình kỹ thuật số DBV-T2 về đến Khánh Hòa. Công ty đang cử người làm việc với địa phương để thống nhất kế hoạch triển khai chi tiết. “Theo quy trình, công ty sẽ phối hợp với địa phương triển khai lắp đặt, nghiệm thu, bàn giao cho hộ thụ hưởng; lập danh sách và ký xác nhận với chính quyền địa phương”, bà Thủy cho biết.


Ông Nguyễn Chí Hoài - Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cho biết: Theo hướng dẫn của Cục Tần số vô tuyến điện, những vùng chưa thể phủ sóng truyền hình số mặt đất vẫn sẽ tiếp tục được xem sóng analog với các trạm phát lại. Khi các trạm này ngừng phát sóng (đang chờ chỉ đạo của Bộ TT-TT), người dân phải chuyển sang xem truyền hình kỹ thuật số vệ tinh (DTH) hoặc các phương thức truyền hình khác. Hiện nay, Bộ TT-TT đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép hỗ trợ đầu thu truyền hình số vệ tinh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các địa bàn này. Riêng 3 xã: Thành Sơn (Khánh Sơn), Khánh Thượng (Khánh Vĩnh), Đại Lãnh (Vạn Ninh) thuộc vùng lõm không bắt được tín hiệu analog (không thuộc phạm vi triển khai đề án số hóa truyền hình) nên không được hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số cũng như đầu thu kỹ thuật số vệ tinh.


THÀNH NGUYỄN

 


Vùng ảnh hưởng sau khi tắt sóng truyền hình analog ở Trạm phát tại Nha Trang, Vạn Ninh và Cam Ranh:


TP. Nha Trang: toàn bộ 27 xã, phường.


TP. Cam Ranh: toàn bộ 15 xã, phường.


Thị xã Ninh Hòa: 6/27 xã, phường (gồm: Ninh Diêm, Ninh Hải, Ninh Thủy, Ninh An, Ninh Phú, Ninh Thọ).


Huyện Cam Lâm: 5/14 xã, thị trấn (Cam Thành Bắc, Cam Hải Tây, Cam Hải Đông, Cam Hòa và thị trấn Cam Đức).


Huyện Diên Khánh: 15/19 xã, thị trấn (Diên An, Diên Điền, Diên Đồng, Diên Lạc, Diên Lộc, Diên Lâm, Diên Phước, Diên Thạnh, Diên Toàn, Diên Tân, Diên Xuân, Suối Hiệp, Suối Tiên và thị trấn Diên Khánh, Diên Sơn).


Huyện Vạn Ninh: 12/13 xã, thị trấn (Vạn Phước, Vạn Long, Vạn Bình, Vạn Thọ, Vạn Khánh, Vạn Phú, Vạn Lương, Vạn Thắng, Vạn Thạnh, Xuân Sơn, Vạn Hưng và thị trấn Vạn Giã).


Huyện Khánh Vĩnh: 5 xã/14 xã, thị trấn (Sông Cầu, Khánh Nam, Khánh Trung, Khánh Bình, Khánh Hiệp).