Bảo tàng Khánh Hòa đang mở cửa triển lãm "Nét văn hóa Tây Nguyên" của nhà sưu tập Nguyễn Văn Hải (TP. Hồ Chí Minh). Những chiêng, ché, tượng gỗ… được trưng bày ở triển lãm đều thuộc hàng tuyệt đẹp, nhưng ngẫm cho cùng, đó cũng chỉ là vẻ đẹp vô hồn.
Bảo tàng Khánh Hòa đang mở cửa triển lãm “Nét văn hóa Tây Nguyên” của nhà sưu tập Nguyễn Văn Hải (TP. Hồ Chí Minh). Những chiêng, ché, tượng gỗ… được trưng bày ở triển lãm đều thuộc hàng tuyệt đẹp, nhưng ngẫm cho cùng, đó cũng chỉ là vẻ đẹp vô hồn. Mỗi hiện vật về với nhà sưu tập đồng nghĩa với việc nó đang bị bứng ra khỏi cội rễ của mình, các buôn làng đang mất đi các di sản văn hóa của mình. Thế nên, dù không khỏi thầm phục công sức của người sưu tầm nhưng khi xem triển lãm, tự dưng chợt nghĩ giá như những hiện vật ấy hiện diện ngay trong đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thì sẽ tốt biết bao.
Thiết nghĩ, những hiện vật văn hóa dù có giá trị đến đâu, đẹp đến đâu cũng sẽ không còn nhiều ý nghĩa khi bị tách ra khỏi môi trường văn hóa của chúng. Chiêng chỉ thật sự là chiêng khi âm thanh của nó vang lên trong các lễ hội. Không phải ngẫu nhiên khi UNESCO công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” chứ không phải là “cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để bảo tồn những tiếng chiêng, tiếng trống vang lên dưới mái nhà rông, tiếng đàn goong vang lên trên nương rẫy, tượng nhà mồ nằm giữa những cánh rừng già... Có như vậy hồn cốt văn hóa của Tây Nguyên mới còn mãi.
Trong câu chuyện về sưu tầm, nhà sưu tầm Nguyễn Văn Hải kể rằng có những chiếc trống da voi ông mua rất rẻ, gần như được cho không. Có chuyện ấy là bởi ở một số vùng đồng bào Tây Nguyên vì theo tín ngưỡng mới nên đã dần bỏ tín ngưỡng truyền thống. Khi ấy, mua được những hiện vật quý nhưng ông không vui. Theo ông Hải, Tây Nguyên bây giờ đã đổi thay quá nhiều. Những cánh rừng ngày càng thu hẹp, nếp sống truyền thống bị xáo trộn, lòng tôn kính loài voi đã giảm. Vì lợi ích kinh tế, nhiều người đã giết voi để lấy ngà, chặt đuôi voi để lấy lông làm trang sức. Nghe thật ngậm ngùi! Điều đáng nói, không chỉ Tây Nguyên mà tất cả các văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số đang đối mặt với nguy cơ mai một. Ngay ở Khánh Hòa, văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai cũng đang bị rơi rụng dần. Thanh niên lớn lên không biết đánh các làn điệu mã la (chiêng bằng), không biết các làn điệu dân ca… cũng như dần quên các tập tục truyền thống.
Nếu như không muốn một ngày nào đó, đồng bào các dân tộc thiểu số phải vào bảo tàng để nhìn thấy chiếc trống da voi, nghe những bài chiêng cha ông họ từng múa… thì phải đẩy mạnh tuyên truyền để đồng bào hiểu và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của mình. Những chính sách bảo tồn văn hóa dù có tốt đến đâu đi chăng nữa, nếu như cộng đồng cư dân - chủ nhân của nền văn hóa ấy không có ý thức bảo tồn thì cũng sẽ thất bại.
THÀNH NGUYỄN