05:02, 03/02/2017

"Những bông hoa trong vườn Bác..."

"Những bông hoa trong vườn Bác" của nhạc sĩ Văn Dung là một bài hát ngợi ca Bác trọn vẹn thiết tha tình cảm dạt dào có hương vị xuân.

“Những bông hoa trong vườn Bác” của nhạc sĩ Văn Dung là một bài hát ngợi ca Bác trọn vẹn thiết tha tình cảm dạt dào có hương vị xuân.


Đầu thập niên 1980, khi ca sĩ Nhã Phương thể hiện ca khúc “Những bông hoa trong vườn Bác”, chất giọng trẻ trung của cô ca sĩ nổi tiếng nhất thời đó đã thực sự làm cho bài hát bay bổng và lan tỏa tới mọi trái tim, tâm hồn mọi người. Trong các chương trình ca nhạc xuân trên đài, ti vi, “Những bông hoa trong vườn Bác” tỏa ngát thơm.

 

Đây là một điều đặc biệt vì “Những bông hoa trong vườn Bác” là một bản nhạc trẻ viết về Bác Hồ được giới trẻ yêu thích. Và tác giả của ca khúc này không ai khác chính là nhạc sĩ Văn Dung - người mệnh danh là “nhạc sĩ của tuổi trẻ”. Có một giai thoại đầu những năm 1977, một lần nhạc sĩ tính vào thăm Lăng Bác, tuy nhiên khi đó tóc ông hơi dài nên không được vào. Ông tha thẩn đi quanh khu lăng với những bồn hoa đủ loại khoe sắc, trong lòng chợt vang lên câu đầu tiên của ca khúc: “Những bông hoa trong vườn Bác. Tỏa ngát hương mang tình yêu mênh mông của Người”. Rồi khi về nhà nhạc sĩ viết xong, mang tới Đài Tiếng nói Việt Nam nơi ông đang công tác tại phòng Âm nhạc, các bậc đàn anh thốt lên: “Quá hay! Quá tuyệt vời, chưa có một bài hát nào ca ngợi Bác mà chỉ bằng hoa như Văn Dung”.  Ngay lập tức, bài hát được thu thanh với ca sĩ giọng nữ cao Bích Việt, ít lâu sau ở miền Nam, ca sĩ trẻ Nhã Phương biểu diễn làm cho bài hát nổi tiếng hơn.


Nhạc sĩ Văn Dung tâm sự, đây là tâm trạng của một chàng trai với người yêu đứng trong vườn hoa của Bác để nói với cô gái. Nơi đây dù rất linh thiêng, long lanh sắc hoa nhưng cảm xúc về tình yêu vẫn dạt dào.


Vì sao nhạc sĩ Văn Dung viết bài ca ngợi Bác lại thể hiện sự khác lạ so với nhiều nhạc sĩ khác? Đó chính là phong cách của Văn Dung. Bởi nhạc sĩ vốn là người rất tươi trẻ, và điều này luôn thể hiện trong mọi ca khúc của mình: Trường Sơn xe anh qua, Bài ca đường 9 chiến thắng, Chiều xa thành phố Cảng, Mùa xuân cho em… Đặc biệt là ca khúc nổi tiếng của giới trẻ thập niên 1970: Hành khúc thanh niên: “Đi lên thanh niên, làm theo lời Bác không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…”. Khi làm chương trình âm nhạc của ông, người ta đặt tên là “Trái tim hát”.


Vốn xuất thân từ một nhà báo, công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tình cờ biết Văn Dung ham mê âm nhạc, có tham gia văn nghệ quần chúng ở Hà Nội nên ông được điều sang phòng Âm nhạc nơi có các nhạc sĩ: Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Trần Chung, Phan Nhân, Cát Vận, Thuận Yến…. Văn Dung được tạo điều kiện để trở thành nhạc sĩ và ngay trong những ca khúc đầu tiên của mình trong thời chiến tranh, chất tươi trẻ thanh niên thể hiện rất rõ. Rồi mảng mà Văn Dung làm là chương trình “Khắp nơi ca hát” - một chuyên mục nổi tiếng nhất, có nhiều người nghe nhất của đài trong thập niên 70, 80 nên Văn Dung được tắm trong không gian vui tươi lạc quan của quần chúng yêu nhạc. Ngoài đời, ông luôn nở nụ cười trên môi, rất thân thiện, vui vẻ. Hiện nay ông là Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, kế nhiệm nhạc sĩ Phạm Tuyên.


Những dịp mùa xuân tới, bất cứ người con đất Việt đến viếng Bác đều hát thầm trong lòng mình “Những bông hoa trong vườn Bác. Tỏa ngát hương mang tình yêu mênh mông của Người”.


DƯƠNG TRANG HƯƠNG