10:12, 16/12/2016

Chân thực và bi tráng - những vần thơ ngày đầu kháng chiến

Đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến trong gió bấc rét buốt. Lửa căm thù bùng cháy trong lòng muôn dân. Ở thủ đô Hà Nội, các chiến sĩ đã chiến đấu cảm tử, cầm chân địch để đồng bào rút khỏi thủ đô.

Đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến trong gió bấc rét buốt. Lửa căm thù bùng cháy trong lòng muôn dân. Ở thủ đô Hà Nội, các chiến sĩ đã chiến đấu cảm tử, cầm chân địch để đồng bào rút khỏi thủ đô. Không khí kháng chiến đã để lại dấu ấn đậm nét trong thơ ca thời kỳ này, tiêu biểu là các sáng tác của Văn Cao, Quang Dũng và Chính Hữu.


Bài thơ sớm nhất viết về không khí kháng chiến ở Hà Nội là tác phẩm Ngoại ô mùa đông 1946 của nhạc sĩ - nhà thơ Văn Cao. Khi ấy, trong một chuyến trở về để tìm máy in chuyển lên chiến khu, ngang qua Ô Chợ Dừa, Văn Cao đã rất xúc động khi nhìn thấy những kỹ nữ, ca nương của các tiệm hát cô đầu ở phố Khâm Thiên đang thổi cơm, đun nước phục vụ bộ đội chiến đấu; rồi cảnh thợ thuyền chiến đấu quên mình. Những câu thơ đầu tiên được hình thành ngay trên chiến lũy: “Reo lên!A reo lên/Xóm cùng khổ/Reo lên! Reo lên!/Băng mình vào đạn lửa/Cuồn cuộn chảy xô lòng Hà Nội vỡ/Sóng lũ Hồng Hà”. Vài ngày sau, Văn Cao đã hoàn thành bức tranh hoành tráng mô tả một cách trung thực nhất về cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân thủ đô trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

 

Cảnh kháng chiến ở thủ đô Hà Nội
Cảnh kháng chiến ở thủ đô Hà Nội


Sau đoạn hồi tưởng về quá khứ của “xóm cầm ca”, về  cuộc sống lam lũ đói nghèo của lớp người cùng khổ, giọng thơ Văn Cao vụt lên hào sảng: “Nhật lệnh đêm nào/ Lời gọi của Cha Già/Ôi đoàn thể/Bấy nhiêu người đói khổ đã vươn cao”. Và cả dòng người “cuồn cuộn” như sóng lũ Hồng Hà dâng lên diệt thù: “Bao người ấy bây giờ/Súng gươm giữ từng góc phố/Ngã Tư, Chợ Dừa, Khâm Thiên phá đổ/Tay thợ thuyền níu giữ…”. Mùa đông 1946 rét mướt, điêu tàn đã trở thành mồ chôn quân thù. Cuộc chiến đấu cảm tử bảo vệ thủ đô được nhà thơ tái hiện bằng những hình ảnh với hào khí ngất trời: “Em gái Ngã Tư Sở/Anh người thợ Nam Đồng/…/Xác anh vùi lửa đạn/Xác em vùi bên anh/Khói súng mờ bay nhạt cả xóm xanh/Lửa bừng lên cháy rực phía đô thành/Cửa ô/Cửa ô/Cửa ô/Sôi nổi/Oai hùng/Dữ dội”. Người Hà Nội đã ngã xuống nhưng cuộc chiến đấu vẫn được tiếp nối. Bài thơ khép lại bằng hình ảnh tươi vui hy vọng “Mùa xuân về giữa chiến hào xa”!


Bài thơ Ngoại ô mùa đông 1946 đã mở màn cho loạt tác phẩm phản ánh, ngợi ca cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Sau 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường trong từng căn nhà, từng góc phố, đầu năm 1947, quân ta rút ra khỏi Hà Nội để lên chiến khu. Nhà thơ Quang Dũng - người lính của Trung đoàn thủ đô năm ấy đã khắc ghi tư thế hiên ngang giây phút lên đường:“Thôi nhé miền xuôi! Thôi tạm biệt/Thôi chào Hà Nội lửa ngang trời/Ta đi - ngõ gạch - tường đang đục/Gạn từng giọt nước, đánh, cầm hơi/Ta đi - Tháp đứng nghiêm hồ lạnh/Hoàn Kiếm đêm đêm giặc rụng rời”. Những người lính Hà thành hào hoa ra đi như những tráng sĩ năm xưa xung trận chống quân thù: “Thôi nhé miền xuôi, thôi tạm biệt/Cống Chéo, Đồng Xuân thề một chết/Hàng Gai tay bỏng trục ba càng/Đất cũ Thăng Long người lẫm liệt…”. Trên những nẻo đường đi qua, nhà thơ Quang Dũng và đồng đội đã bắt gặp cảnh kháng chiến rất sôi nổi. Từ làng trên xóm dưới, người dân nô nức đào hào, rào làng, lập vọng gác để ngăn bước chân thù. Xúc động hơn cả là những đoạn về những đêm lửa trại, những bữa cơm, những buổi tiễn đưa mang nặng tình quân dân: “Tiếng hát hành quân vui trong mưa/Gió bấc về sân buổi tiễn đưa/Nải chuối tiễn nhau em mới cắt/Nắm cơm hàng xóm gửi trung đoàn/“Hỏa thực” xếp lèn đôi gánh cật”. Chính tình cảm đó đã tiếp thêm sức mạnh để những người lính vượt qua 9 năm kháng chiến, làm nên thắng lợi về sau.


Cũng góp mặt trong Trung đoàn thủ đô năm ấy, nhà thơ Chính Hữu đã khắc họa ngày tạm xa Hà Nội đi kháng chiến bằng câu thơ kiêu hùng trong thi phẩm Ngày về: “Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa/Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng/Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm/Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”. Lãng mạn đấy nhưng vẫn đầy tinh thần chiến đấu! Những người con Hà Nội vẫn tự hứa với lòng mình sẽ trở về “chiếm lại quê hương”. Từ chiến khu Việt Bắc, Chính Hữu đã linh cảm về một ngày trở lại huy hoàng: “Nguy nga sao cái buổi lên đường/Súng chuốt gươm lau, mắt ngời sáng quắc/A ha! Nhà xiêu mái sập/Xác oan cừu ngập lối chân đi/Gạch ngói xưa mừng đón gót lưu ly/Bước căm giận xéo quân thù lớp lớp/Mịt mù khói ngợp/Cờ máu huy hoàng/Phất nắng/Ôi bài chiến thắng reo vang”. Những câu thơ mang tính dự báo ấy được nhà thơ viết năm 1947, trước ngày giải phóng thủ đô (năm 1954) đến 7 năm. Một linh cảm thật diệu kỳ!


70 năm đã qua, hôm nay đọc lại những bài thơ về những ngày đầu toàn quốc kháng chiến vẫn tràn đầy cảm xúc. Những vần thơ chân thực, bi tráng ấy đã góp phần khắc ghi về một thời kỳ đấu tranh rực lửa trong thiên sử chống ngoại xâm của dân tộc!


THÀNH NGUYỄN