06:08, 27/08/2016

Sân khấu học đường: Cần một chiến lược dài hơi

Mới đây, khi trao đổi về những khó khăn trong việc tuyển chọn học viên trẻ dành cho nghệ thuật truyền thống, lãnh đạo Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh chia sẻ, nếu như dự án sân khấu học đường còn được duy trì thì chắc chắn việc tuyển chọn các tài năng trẻ sân khấu truyền thống sẽ dễ dàng hơn.

Mới đây, khi trao đổi về những khó khăn trong việc tuyển chọn học viên trẻ dành cho nghệ thuật truyền thống (NTTT), lãnh đạo Nhà hát NTTT tỉnh chia sẻ, nếu như dự án sân khấu học đường (SKHĐ) còn được duy trì thì chắc chắn việc tuyển chọn các tài năng trẻ sân khấu truyền thống sẽ dễ dàng hơn.


Năm 1999, Khánh Hòa (cùng với Hà Nội, Nam Định) được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) chọn thí điểm thực hiện Dự án SKHĐ - đưa nghệ thuật sân khấu vào giảng dạy tại các trường THPT, THCS.  Thực hiện dự án, Nhà hát NTTT tỉnh đã tổ chức biểu diễn, dạy nghệ thuật tuồng cho học sinh các trường THCS: Âu Cơ, Mai Xuân Thưởng, Võ Văn Ký (TP. Nha Trang). Năm 2008, Khánh Hòa tiếp tục được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lựa chọn để thực hiện Dự án SKHĐ giai đoạn 2 (2006 - 2010) với quy mô lớn hơn, bình diện rộng hơn. Lần này, Nhà hát NTTT tỉnh giảng dạy dân ca kịch cho học sinh các trường THCS: Nguyễn Hiền, Trưng Vương và Thái Nguyên (Nha Trang). Dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ Đoàn Dân ca kịch Nhà hát NTTT, các em có thể hát nhiều làn điệu như: xàng xê, cổ bản, xuân nữ, hò quảng và đóng một số trích đoạn sân khấu như: Thoại Khanh - Châu Tuấn, Đôi dòng sữa mẹ… “Dự án SKHĐ không chỉ giúp học sinh tiếp cận với NTTT, mà ngay cả các thầy cô giáo, phụ huynh cũng được đánh thức tình yêu với NTTT. Chúng tôi đã tổ chức cho các em đi diễn báo cáo ở Hà Nội”, ông Vũ Tiến Thêm - Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh cho biết.

 

Học sinh làm quen với nghệ thuật truyền thống
Học sinh làm quen với nghệ thuật truyền thống


Đáng tiếc, sau khi dự án SKHĐ kết thúc, việc giảng dạy NTTT cho học sinh không được tiếp tục bởi nhà hát và các trường không có kinh phí thực hiện. Chính các lớp học sinh vừa qua đào tạo nghệ thuật cũng ít có cơ hội  thể hiện những điều mình đã khổ công luyện tập mới có được. Hiện nay, mỗi năm, Nhà hát NTTT tỉnh vẫn tổ chức từ 15 đến 20 buổi giao lưu giúp học sinh tìm hiểu về NTTT; tuy nhiên, những buổi giao lưu ấy không gây nhiều hứng thú như chương trình SKHĐ trước đây.


Thực tế, trước đây, tuy đã thu được những thành công nhưng dự án SKHĐ vẫn còn nhiều bất cập. Các nghệ sĩ khi tham gia hướng dẫn học sinh chỉ chú trọng về kỹ năng biểu diễn, ít truyền đạt kiến thức về sân khấu truyền thống nên học sinh không hiểu hết ý nghĩa sâu xa của các động tác; chương trình chưa được xây dựng bài bản. Ông Nguyễn Tứ Hải - Phó Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh cho rằng: “Về lâu dài, chương trình SKHĐ (nếu được tiếp tục) cần được xây dựng một cách bài bản hơn; tổ chức giao lưu nói chuyện về NTTT; tập luyện cho các em kỹ năng biểu diễn một cách kỹ lưỡng để các em cũng như người xem có thể thấy được những tinh hoa trong NTTT”. Theo đó, học sinh đến với SKHĐ sẽ được học về lịch sử hình thành âm nhạc dân tộc, tìm hiểu về dân ca ở xứ Trầm Hương, các loại nhạc cụ dân tộc, các loại hình sân khấu... và thực hành biểu diễn.  


Theo nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức - Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, để SKHĐ phát huy hiệu quả cần một chiến lược dài hơi hơn; chọn lựa những trích đoạn mang đậm bản sắc NTTT nhưng phù hợp với lứa tuổi của đối tượng tiếp nhận; mời các nghệ sĩ tham gia giảng dạy. Việc tìm hiểu và thực hiện sẽ được tiến hành theo nhiều năm, từ dễ đến khó chứ không chỉ gói gọn trong một khoảng thời gian nhất định. Đặc biệt, để duy trì mô hình này, ngành Văn hóa và ngành Giáo dục cần phối hợp tổ chức những hội diễn về NTTT dành cho học sinh. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục nên khuyến khích các em xây dựng các tiết mục về dân ca, các trích đoạn sân khấu để tham gia các hội diễn văn nghệ...


Việc triển khai SKHĐ chính là tạo nên lớp khán giả trẻ cho NTTT; đồng thời, qua đó có thể phát hiện những em có năng khiếu, có khát vọng đi theo con đường nghệ thuật để đào tạo lớp nghệ sĩ kế cận. Hơn ai hết, chính những người làm nghề phải có nhiệt huyết trong việc quảng bá, truyền dạy NTTT vào trong học đường, còn nếu chỉ xem là việc thực hiện một dự án thì rất khó có thể thành công.  


THÀNH NGUYỄN